Quyết định số 934/QĐ-CTN ngày 20/9/2024 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Lê Thị Bạch Cát cũng là giáo viên dạy Thể dục Thể thao đầu tiên của Trường Đại học Vinh, người có công xây dựng nền móng cho sự hình thành ngành Giáo dục Thể chất và gây dựng sự phát triển cho Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh trước đây, Trường Đại học Vinh ngày nay.

Liệt sĩ, Nhà giáo Lê Thị Bạch Cát

Việc được truy tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" là sự ghi nhận xứng đáng cho Liệt sĩ, Nhà giáo Lê Thị Bạch Cát vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, bảo vệ Tổ quốc.

Việc Liệt sĩ, Nhà giáo Lê Thị Bạch Cát được truy tặng danh hiệu cũng vừa là niềm vinh dự to lớn đối với nhân dân tỉnh Nghệ An, vừa là niềm vinh dự đối với Trường Đại học Vinh.

Lê Thị Bạch Cát sinh ngày 10/10/1940, là con út trong một gia đình nhà nho tại xã Nghi Thủy, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An (nay là phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò). Năm 1958, sau khi thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm thể thao Trung ương (nay là Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội), cô được trường giữ lại làm giảng viên.

Ngày 16/7/1959, Bộ Giáo dục ban hành Nghị định số 375/NĐ về việc thành lập Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh. Năm học đầu tiên (1959 - 1960), Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh đào tạo giáo viên các ngành Văn - Sử, Toán - Lý. Bộ Giáo dục cử 17 cán bộ giảng dạy vào công tác tại Phân hiệu. Từ năm học thứ hai (1960 - 1961), Phân hiệu tổ chức đào tạo thêm ngành Giáo viên Thể dục. Bộ Giáo dục cử 12 cán bộ giảng dạy của Trường Cao đẳng Sư phạm thể thao Trung ương về tăng cường, trong đó có Nhà giáo Lê Thị Bạch Cát.

Từ tháng 10/1961, Nhà giáo Lê Thị Bạch Cát chuyển công tác về Trường Cao đẳng Sư phạm thể thao Trung ương, đến tháng 4/1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày càng diễn ra ác liệt, cô được tổ chức chọn về học tập trường cán bộ đi B ở Phú Thọ và được điều động vào Nam chiến đấu và được điều về công tác ở Thành đoàn Sài Gòn, tham gia lực lượng biệt động trong nội thành với bí danh Sáu Xuân.

Tuy chỉ tham gia giảng dạy 2 năm tại Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh (1960 - 1961) nhưng Nhà giáo Lê Thị Bạch Cát đã có quá trình công tác xuất sắc, có đạo đức, phẩm chất cách mạng và trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhà giáo Lê Thị Bạch Cát Lê Thị Bạch Cát (ngoài cùng, bên trái) trước khi vào hoạt động cách mạng ở miền Nam

Quá trình hoạt động tại Sài Gòn, để tạo cho mình một vỏ bọc hợp pháp, Nhà giáo Lê Thị Bạch Cát phải trải qua đủ nghề: Thợ may, làm nón, bán rau cải, chanh ớt... vừa tự kiếm sống, vừa thu thập tin tức xây dựng cơ sở cách mạng.

Chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cô được Khu ủy chuyển đến liên quận 2 - 4 với chức danh Quận ủy viên, Bí thư Ban Chấp hành Thanh niên quận 2 (nay là quận 1), Bí thư Chi bộ võ trang tuyên truyền liên quận 2 - 4.

Nhận nhiệm vụ mới, sát thời điểm Xuân Mậu Thân 1968, Nhà giáo Lê Thị Bạch Cát đã vận động, xây dựng lực lượng, tổ chức vận chuyển tập kết vũ khí, phối hợp cùng các đội vũ trang của quận đội và các đơn vị biệt động khác chuẩn bị cho cuộc nổi dậy.

Cô cũng là người trực tiếp chỉ đạo phát động nhân dân nổi dậy trong đợt 1 của chiến dịch, tấn công các khu vực Phạm Ngũ Lão, Bến Chương Dương, hẻm Hiệp Thành, Bến Vân Đồn.

Sáng ngày 5/5/1968, cô cùng đồng đội trực tiếp chỉ huy liên quận 2 - 4 đặt tại nhà 225/4 Bến Chương Dương và đã anh dũng hy sinh. Trước đó, nhận thấy sự chênh lệch lực lượng quá lớn, cô đã ra lệnh cho đồng đội rút lui để bảo toàn lực lượng còn cô ở lại chiến đấu.

Thương tiếc người nữ chiến sĩ quả cảm Lê Thị Bạch Cát, nhân dân địa phương đã lập bàn thờ cô ở đền An Nhơn, Quận 1. Sau ngày giải phóng, đất nước thống nhất, Thành phố Hồ Chí Minh đã cho đặt tên một con đường và một trường tiểu học ở Quận 11 mang tên Lê Thị Bạch Cát.

Đường Lê Thị Bạch Cát tại Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh

Năm 1985, Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Tại Nghệ An, năm 2000, Ủy ban nhân dân thị xã Cửa Lò, nơi quê hương Liệt sĩ, Nhà giáo Lê Thị Bạch Cát cũng quyết định đổi tên Trường THCS Thu Thủy thành Trường THCS Lê Thị Bạch Cát và đặt tên một con đường trong thị xã mang tên Lê Thị Bạch Cát.

Trường THCS Lê Thị Bạch Cát tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An

Đối với Trường Đại học Vinh, trong quá trình lịch sử xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên, học viên của Nhà trường không bao giờ quên các vị anh hùng liệt sĩ nguyên là cán bộ, giáo viên, sinh viên đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó có Liệt sĩ, Nhà giáo Lê Thị Bạch Cát. Nhà trường đã đặt tên của Liệt sĩ, Nhà giáo Lê Thị Bạch Cát vào vị trí đầu tiên trong danh sách các anh hùng liệt sĩ nguyên là cán bộ, giáo viên, sinh viên của Nhà trường tại Nhà truyền thống; đặt ảnh của Liệt sĩ, Nhà giáo Lê Thị Bạch Cát vào bàn thờ chung của Nhà trường và trang trọng ghi công của Liệt sĩ, nhà giáo Lê Thị Bạch Cát vào các cuốn lịch sử: Trường Đại học Vinh 50 năm xây dựng và phát triển (1959 - 2009), xuất bản năm 2009; Trường Đại học Vinh 55 năm xây dựng và phát triển (1959 - 2014), xuất bản năm 2014; Trường Đại học Vinh 60 năm xây dựng và phát triển (1959 - 2019), xuất bản năm 2019.

Học sinh, sinh viên, học viên Trường Đại học Vinh dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nhà truyền thống của Trường

TT. ĐHV