Bằng độc quyền sáng chế "Phương pháp sản xuất chế phẩm nano đồng hữu cơ kháng nấm"
Đây là Bằng độc quyền sáng chế đầu tiên của Nhà trường, khẳng định sự nỗ lực, cố gắng của các giảng viên, các nhà khoa học Trường Đại học Vinh trong công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ.
GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng trao Bằng độc quyền sáng chế cho TS. Lê Thế Tâm - Viện Công nghệ Hóa Sinh - Môi trường (tác giả chính)
Nhóm tác giả được tuyên dương, khen thưởng gồm: TS. Lê Thế Tâm - Viện Công nghệ Hóa Sinh - Môi trường (tác giả chính) và các đồng tác giả: GS.TS. Trần Đại Lâm - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; PGS.TS. Lê Đăng Quang - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Hoa Du - Văn phòng Đảng - Hội đồng trường - Đoàn thể; TS. Hồ Đình Quang - Viện Công nghệ Hóa Sinh - Môi trường; PGS.TS. Phan Thị Hồng Tuyết - Trường Sư phạm; ThS. Lê Thị Thu Hiệp - Trung tâm Thực hành - Thí nghiệm đã có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, được cấp bằng độc quyền sáng chế cho "Phương pháp sản xuất chế phẩm nano đồng hữu cơ kháng nấm". Kèm theo Giấy khen của Hiệu trưởng là phần thưởng với tổng số tiền 30 triệu đồng.
GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng và PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Cúc, Phó Hiệu trưởng trao giấy khen và tặng hoa chúc mừng nhóm tác giả
Sáng chế đề cập đến phương pháp sản xuất chế phẩm nano đồng hữu cơ kháng nấm, trong đó phương pháp này bao gồm các bước: a) chuẩn bị hỗn dịch chứa dung dịch muối đồng vô cơ phân tán trong dung dịch chitosan; và b) phối trộn hỗn dịch thu được ở bước a) với dung dịch muối natri hữu cơ để thu được chế phẩm nano đồng hữu cơ kháng nấm.
TS. Lê Thế Tâm - Viện Công nghệ Hóa Sinh - Môi trường, tác giả chính của sáng chế cho biết: Chế phẩm chứa hoạt chất nano đồng hữu cơ là sản phẩm an toàn, không độc hại, thân thiện môi trường và có triển vọng lớn trong sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Chế phẩm này có khả năng phòng và trị bệnh thán thư trên cây trồng, là bệnh gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân. Với giá cả hợp lý và chất lượng phòng trừ bệnh tốt, sản phẩm sẽ được bà con nông dân đón nhận.
Chế phẩm nano đồng hữu cơ kháng nấm thu được theo phương pháp sản xuất từ sáng chế có thể mở rộng để sản xuất ra chế phẩm kháng nấm dạng bột bằng phương pháp sấy đông khô, qua đó có thể tăng thêm thời gian bảo quản và sử dụng của chế phẩm. Ngoài ra, chế phẩm nano đồng hữu cơ tạo ra từ sáng chế có thể mở rộng kết hợp với một số hoạt chất khác như nano Ag, hoặc nano chitosan sẽ giúp tăng hiệu quả trị bệnh và tính chống chịu cho cây. Đây là điểm độc đáo trong sản phẩm của sáng chế.
Phóng sự của Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An về sáng chế
Năm 2023, Trường Đại học Vinh có 236 công bố khoa học trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục Web of Science/Scopus (cao nhất từ trước đến nay và vượt chỉ tiêu của Nghị quyết đại hội Đảng bộ trường đề ra 200 bài vào năm 2025). Đặc biệt, có công trình của nhóm nghiên cứu mạnh về Quang học được đăng trên tạp chí quốc tế có chỉ số ảnh hưởng lớn (IF = 7,8). Đơn vị có tỷ lệ công bố quốc tế cao nhất là Viện Công nghệ Hóa sinh - Môi trường với tỷ lệ công bố 1,77 bài/giảng viên.
Bên cạnh đó, Nhà trường có 03 đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích và 01 Bằng độc quyền sáng chế. Tạp chí Khoa học được cấp giấy phép xuất bản điện tử và có thêm 01 chuyên san Series C về Khoa học và Công nghệ Giáo dục.
Cũng tại phiên họp Trưởng đơn vị phiên tháng 01/2024, Trường Đại học Vinh tiếp tục công bố thành lập 01 nhóm nghiên cứu là nhóm: "Khoa học giáo dục hiện đại (Modern Educational Science)". Nhóm gồm có 29 thành viên, nghiên cứu về khoa học giáo dục tổng quát, lý luận dạy học bộ môn, dạy học tích hợp; triển khai các mô hình giáo dục tiến tiến đáp ứng hội nhập quốc tế.
GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng trao Quyết định thành lập nhóm nghiên cứu cho PGS.TS. Cao Cự Giác, Phó Trưởng khoa Hóa học, Trường Sư phạm - Trưởng nhóm nghiên cứu
Đến thời điểm hiện nay, Trường Đại học Vinh có 10 nhóm nghiên cứu và 2 nhóm nghiên cứu mạnh thuộc các lĩnh vực hoạt động khác nhau: Khoa học cơ bản, Khoa học kỹ thuật, Khoa học giáo dục.
TT. ĐHV