Chương trình văn nghệ chào mừng

Tham dự chương trình có Ngài Pranay Verma, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam; Ngài Harisha, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda (SVCC); PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á; đại diện một số Sở, Ngành của tỉnh Nghệ An.

Về phía Trường Đại học Vinh có GS.TS. Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng; TS. Trần Bá Tiến - Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Trần Vũ Tài - Viện trưởng Viện SP Xã hội;  đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên của Nhà trường.

Đại biểu tham dự Chương trình

Phát biểu khai mạc chương trình, GS.TS. Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh đã nhấn mạnh: Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ nhằm tăng cường quảng bá văn hóa Ấn Độ, nâng cao hiểu biết của học sinh về văn hóa trong hội nhập quốc tế mà còn thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Với bề dày truyền thống 61 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Vinh được công nhận là trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu trọng điểm của Bắc Trung Bộ và cả nước. Trong quá trình phát triển, Trường Đại học Vinh đã gắn bó mật thiết với con người và văn hóa Ấn Độ. Năm 1990, trước sự phát triển của quan hệ hai nước, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Trường đã mang tên Jawaharlal Nehru - Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, là một trong những nhân vật trung tâm của chính trị Ấn Độ trong phần lớn thế kỷ 20. Cùng với sự thiết lập chương trình hợp tác phát triển, Nhà trường đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ và tổ chức Hội thảo Khoa học Việt Nam - Ấn Độ. Đại sứ Ấn Độ J.C.Sarma đã đến thăm Trường Đại học Vinh vào năm 1991.

GS.TS. Nguyễn Huy Bằng phát biểu và tặng quà cho đại biểu tham dự

Cảm ơn những tình cảm tốt đẹp đối với Ấn Độ, Ngài Pranay Verma, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam bày tỏ niềm vui mừng khi đến với Trường Đại học Vinh. Đại sứ mong muốn thông qua Chương trình "Những ngày văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam", những hình ảnh tốt đẹp về đất nước Ấn Độ sẽ được quảng bá rộng rãi hơn, từ đó thúc đẩy sự hợp tác về giáo dục, đào tạo với Trường Đại học Vinh nói riêng, Việt Nam nói chung.

Ngài Pranay Verma phát biểu

Đại diện Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á phát biểu, PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng cho biết: Tỉnh Nghệ An là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, một người bạn rất gần gũi của nhân dân Ấn Độ. Đây cũng là một vùng đất địa linh nhân kiệt, đóng góp nhiều người tài cho sự nghiệp giải phóng dân tộc trước kia và phát triển đất nước Việt Nam hiện nay. Vì vậy, việc tổ chức chương trình "Những ngày văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam" tại Trường Đại học Vinh là một sự kiện có ý nghĩa, phản ánh đúng tính chất của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Ấn Độ.

Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á tặng quà cho đại biểu

Nằm trong khuôn khổ chương trình, tại buổi khai mạc đã diễn ra các hoạt động: Trưng bày tranh "Những nhân vật kiệt xuất của Ấn Độ và Việt Nam", tiệc trà Ấn Độ, Tọa đàm "Những nhân vật kiệt xuất của Ấn Độ và Việt Nam"... Ngoài ra, chương trình còn có nhiều hoạt động như chiếu phim "Gandhi" (1982), chiếu phim "3 Idiot", trang trí Rangoli, lễ hội Diwalli, vẽ Henna.

Đại biểu thực hiện lễ thắp nến theo văn hóa Ấn Độ

 Tọa đàm Những nhân vật kiệt xuất của Ấn Độ và Việt Nam

Chương trình là dịp để cán bộ, giảng viên, sinh viên tại Trường Đại học Vinh có cơ hội được tìm hiểu, giao lưu, trao đổi những nét đặc trưng, tiêu biểu về văn hóa của Ấn Độ. Đồng thời, đây còn là hoạt động mang ý nghĩa thiết thực, bổ ích để người dân thêm hiểu biết về văn hóa Ấn Độ, góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam nói chung, sự kết nối chặt chẽ giữa Trường Đại học Vinh, Đại sứ quán Ấn Độ, Viện Nghiên cứu của Ấn Độ và Tây Nam Á, Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda (SVCC) nói riêng.

Múa và yoga Ấn Độ

Sinh viên Trường Đại học Vinh giao lưu tìm hiểu các ấn phẩm tạp chí Ấn Độ

Ngài Đại sứ Pranay Verma và GS.TS. Nguyễn Huy Bằng tham quan triển lãm tranh

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm

TT. ĐHV