Hội thảo nhằm mục đích tạo diễn đàn khoa học về một số chủ đề nghiên cứu về khoa học giáo dục để các chuyên gia, cơ sở giáo dục cùng chia sẻ các kết quả nghiên cứu và ứng dụng phục vụ phát triển ngành giáo dục. Đồng thời, đề xuất một số định hướng nghiên cứu trọng tâm nhằm phát triển khoa học giáo dục làm nền tảng cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và các giải pháp tăng cường nghiên cứu, phát triển khoa học giáo dục để có cơ sở khoa học trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách giáo dục trong giai đoạn tới.

Tham dự Hội thảo, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Hoàng Hoa Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Về phía tỉnh Nghệ An, có đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Về phía Trường Đại học Vinh, có TS. Nguyễn Ngọc Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng; các đồng chí trong Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu; lãnh đạo các đơn vị và đông đảo giảng viên trong Trường.

Hội thảo cũng có sự tham dự của lãnh đạo các trường đại học sư phạm trọng điểm, các trường đại học, học viện, trường cao đẳng đào tạo giáo viên trên cả nước, các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực khoa học giáo dục.

Đại biểu tham dự Hội thảo

Do điều kiện công tác, PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham dự và phát biểu khai mạc hội thảo bằng hình thức trực tuyến.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, năm nay là năm thứ ba Hội thảo quốc gia về khoa học giáo dục được tổ chức. Năm đầu tiên tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, năm thứ hai tổ chức tại Đại học Thái Nguyên và năm nay tổ chức tại Trường Đại học Vinh.

"Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thấy, qua các năm, sự hưởng ứng tham gia của các thầy cô, các nhà khoa học trong lĩnh vực về khoa học giáo dục đối với hội thảo rất tốt. Chúng ta đã tạo ra một diễn đàn hàng năm giúp các thầy cô gặp nhau để trao đổi, thảo luận, chia sẻ những vấn đề, những nghiên cứu, những kết quả nghiên cứu mà chúng ta đã thực hiện.

Đối với lĩnh vực khoa học giáo dục, các thầy cô tại các cơ sở giáo dục đại học đã có trách nhiệm nghiên cứu, để góp phần phát triển ngành giáo dục. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục nghiên cứu, tập trung những vấn đề trong Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị với nhiều nội dung mới. Làm thế nào để chúng ta sáng tỏ các cơ sở khoa học và cơ sở thực tế, kinh nghiệm quốc tế để đưa ra những chính sách, kinh nghiệm có thể áp dụng tốt nhất trong hệ thống giáo dục", Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu khai mạc hội thảo với hình thức trực tuyến

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc, năm nay, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Chương trình khoa học giáo dục cấp quốc gia giai đoạn 2025 - 2030. Đây là cơ hội để tới đây các nhà khoa học đăng ký các nhiệm vụ khoa học. Bộ Giáo dục và Đào tạo rất mong các thầy cô hưởng ứng tham gia khi Bộ Khoa học và Công nghệ phát động chương trình. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ủng hộ các cơ sở giáo dục đại học để có đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ; dành ưu tiên nguồn lực, điều kiện để nghiên cứu.

Đại biểu tham dự Hội thảo

Phát biểu chào mừng Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tin tưởng giao Trường Đại học Vinh đăng cai tổ chức Hội thảo quốc gia về khoa học giáo dục năm 2024. Hội thảo được tổ chức trong không khí phấn khởi kỷ niệm 65 năm xây dựng và phát triển Trường Đại học Vinh lại càng thêm ý nghĩa đối với Nhà trường.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, đào tạo giáo viên, nghiên cứu về khoa học giáo dục là một trong những nhiệm vụ chính trị của Trường Đại học Vinh. Từ Trường Đại học Sư phạm Vinh năm xưa đến Trường Đại học Vinh hôm nay là thành quả của sự phấn đấu liên tục, bền bỉ, sáng tạo, tự chủ của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên và học viên của Nhà trường - GS.TS. Nguyễn Huy Bằng chia sẻ.

GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh phát biểu chào mừng Hội thảo

Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cũng khẳng định, Nhà trường sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và đào tạo, góp phần tích cực vào sự phát triển hệ thống giáo dục đại học của cả nước, thực hiện sứ mạng "là cơ sở giáo dục đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, dẫn dắt sự phát triển giáo dục và đào tạo của khu vực Bắc Trung Bộ; là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy sự phát triển của quốc gia và quốc tế".

Toàn cảnh Hội thảo

Trong khuôn khổ Hội thảo, đại biểu đã được tham dự phiên toàn thể và các phiên song song với các tiểu ban cùng thảo luận các đề tài.

Tại phiên toàn thể của Hội thảo, GS.TS. Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành khoa học giáo dục, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên đã trình bày báo cáo "Phát triển môi trường giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học".

Kết quả nghiên cứu đưa ra các thành phần cơ bản của môi trường giáo dục đại học, trong đó các thành phần đều tập trung vào mối quan hệ người dạy - người học. Từ đó đề xuất một số giải pháp phát triển môi trường giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ như: hoàn thiện môi trường quản lý - quản trị, môi trường khoa học - công nghệ, môi trường số và không gian mở, duy trì sức sáng tạo của con người trong môi trường giáo dục.

GS.TS. Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành khoa học giáo dục, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên trình bày báo cáo

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy văn hoá đại học cần tạo ra 3 trụ cột nền tảng cho người học đó là: năng lực tư duy sáng tạo trên nền học vấn rộng, ngoại ngữ để tiếp cận văn hóa toàn cầu và công nghệ trên nền tảng nhân văn - đạo đức.

GS.TS. Nguyễn Văn Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trình bày báo cáo "Đào tạo giáo viên tại Việt Nam trong kỷ nguyên công nghệ số: Cơ hội, thách thức và giải pháp".

Theo GS.TS. Nguyễn Văn Minh, công nghệ số tác động tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, đòi hỏi việc đổi mới giáo dục - đào tạo phải gắn bó chặt chẽ với tiến bộ khoa học - công nghệ.

Bên cạnh việc đảm bảo số lượng nhân lực cho các ngành, nghề cần chú trọng hơn nữa vào chất lượng, hiệu quả. Đối với mạng lưới trường sư phạm, càng phải tập trung đào tạo đội ngũ giáo viên trình độ cao, phát triển năng lực tự học, thích ứng và sáng tạo. Bởi lẽ đội ngũ này có tác động đáng kể đến hàng chục triệu học sinh - thế hệ trẻ, lực lượng lao động kế cận trong tương lai gần của đất nước.

GS.TS. Nguyễn Văn Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trình bày báo cáo

Từ những cơ hội và thách thức, GS.TS. Nguyễn Văn Minh đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo giáo viên ở Việt Nam trong kỷ nguyên công nghệ số như: đổi mới chương trình đào tạo giáo viên; đầu tư nguồn lực, tăng cường điều kiện tổ chức đào tạo; xây dựng hệ thống quản lý tổng thể, liên thông dữ liệu giữa các trường sư phạm; nâng cao nhận thức, đào tạo đội ngũ; huy động các nguồn lực tham gia chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số.

GS.TS. Đinh Xuân Khoa, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cũng đã có báo cáo "Quản trị trường đại học công lập Việt Nam - Thực trạng và vấn đề bàn luận".

Theo kết quả nghiên cứu, GS.TS. Đinh Xuân Khoa cho rằng kết quả hoạt động quản trị ở các trường đại học công lập chưa cao. Nút thắt của quản trị trường đại học công lập Việt Nam hiện nay chính là phân quyền và thực thi quyền lực trong trường đại học công lập; điểm nghẽn của quản trị trường đại học công lập Việt Nam hiện nay chính là Hội đồng trường không đủ năng lực và chưa có thực quyền, vì thế chưa phát huy được vai trò của mình trong quản trị trường đại học công lập. Nan đề của quản trị đại học công lập Việt Nam chính là tự chủ đại học chưa trở thành thuộc tính tự nhiên của các trường đại học công lập; chưa có được một mô hình và cơ chế vận hành phù hợp với điều kiện thực tế của các trường đại học công lập hiện nay.

GS.TS. Đinh Xuân Khoa, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh trình bày báo cáo

Từ những kinh nghiệm trong công tác quản lý, quản trị trường đại học và từ nghiên cứu thực tiễn, GS.TS. Đinh Xuân Khoa đề xuất cần phân quyền và thực thi quyền lực trong trường đại học công lập - "Thực hiện phân quyền đầy đủ, thực chất sẽ tránh được sự lạm quyền, lấn quyền trong trường đại học công lập"; cần sự nhận thức đúng đắn, đầy đủ của xã hội, trách nhiệm của viên chức, người lao động và nhất là các thành viên Hội đồng trường "vào đúng vai và làm đúng việc" để mô hình quản trị bởi Hội đồng tường vận hành hiệu quả; Thực hiện tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình trong trường đại học công lập; Xây dựng mô hình quản trị và cơ chế vận hành mô hình quản trị trường đại học công lập.

Cũng theo GS.TS. Đinh Xuân Khoa, các trường đại học công lập cần thiết lập mối quan hệ về lợi ích và trách nhiệm giữa nhà trường với các bên liên quan, trong đó cần nâng cao trách nhiệm của trường đại học công lập đối với các bên liên quan ngoài nhà trường; tạo cơ chế và "hành lang pháp lý" để các bên liên quan tham gia vào sự phát triển trường đại học công lập.

TS. Hoàng Hoa Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định thành công của Hội thảo

Tại các phiên song song diễn ra với hoạt động thảo luận của 2 tiểu ban:

Tiểu ban 1: Khoa học giáo dục với đổi mới giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non.

Tiểu ban 2: Khoa học giáo dục với đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học.

Một số báo cáo tại các phiên song song

Chủ trì Tiểu ban 1: Khoa học giáo dục với đổi mới giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non

Sau các báo cáo tham luận, đại biểu tham dự Hội thảo đã dành thời gian trao đổi, thảo luận, làm rõ thêm một số ý kiến xoay quanh các nội dung báo cáo. Nhìn chung, các ý kiến bàn luận tại Hội thảo đã làm rõ thêm các cơ sở khoa học và cơ sở thực tế, kinh nghiệm trong nước và quốc tế, đồng thời đề ra nhiều chính sách, kinh nghiệm có thể áp dụng cho các cơ sở giáo dục để góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách giáo dục trong giai đoạn tới.

Đại biểu thảo luận tại Hội thảo

Toàn cảnh phiên làm việc của Tiểu ban 2: Khoa học giáo dục với đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm

TT. ĐHV