Toàn cảnh Hội nghị
Tham dự Hội nghị có TS. Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ 2, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về phía Trường Đại học Vinh có các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ trường, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu; Trưởng, Phó các đơn vị cấp 2, Trưởng các đơn vị cấp 3; Đại diện Công đoàn Trường, Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Thanh tra Nhân dân của các công đoàn bộ phận; Trợ lý đào tạo các đơn vị đào tạo và đông đảo viên chức, người lao động của các đơn vị trong Trường.
Đại biểu tham dự Hội nghị
TS. Đặng Thị Thu, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế công bố nội dung Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng cho biết, Trường Đại học Vinh đang đẩy mạnh xây dựng trở thành đại học thông minh, xếp hạng tốp 500 đại học hàng đầu Châu Á vào năm 2030, tốp 1.000 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2045. Nhà trường đã được "nêu tên" định hướng phát triển tại Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/07/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 162/NQ-CP ngày 4/10/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã xác định tới năm 2030, Trường Đại học Vinh sẽ phát triển thành đại học vùng cùng với 3 đơn vị đào tạo khác.
GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh phát biểu khai mạc
Trong giai đoạn mới, đứng trước cơ hội mới, vận hội mới, thách thức mới, Lãnh đạo Nhà trường luôn xác định vai trò và tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Hội nghị được tổ chức nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của viên chức, người lao động toàn Trường về pháp luật trong lĩnh vực giáo dục, về pháp luật công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ và quy định về xử phạt hành chính, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật của viên chức, người lao động và người học trong toàn Trường.
Tại Hội nghị, đại biểu đã được nghe TS. Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo phổ biến một số nội dung mới về pháp luật trong lĩnh vực giáo dục, công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học trước bối cảnh đổi mới giáo dục và tự chủ giáo dục đại học; TS. Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ 2, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo phổ biến những vấn đề cơ bản về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo quy định tại Nghị định 04/2021/NĐ-CP và Nghị định 127/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
TS. Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo phổ biến một số nội dung mới về pháp luật trong lĩnh vực giáo dục
Theo TS. Nguyễn Đức Cường, công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học hiện nay rất quan trọng. Công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ giúp cơ sở giáo dục phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý của mình để kiến nghị biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, nội quy, quy chế của cơ sở giáo dục; giúp đơn vị, tổ chức, cá nhân trong cơ sở giáo dục thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục và chính sách, pháp luật liên quan; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật.
TS. Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo giải đáp các câu hỏi tại Hội nghị
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ còn giúp các cơ sở giáo dục thực hiện tốt yêu cầu tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của mình, kịp thời phát hiện, nhân rộng các nhân tố mới, tiến bộ; đề phòng tình trạng lạm dụng quyền tự chủ dẫn đến chủ quan, sai phạm, tùy tiện trong hoạt động, ảnh hưởng xấu đến chất lượng giáo dục, đến kỷ cương, nền nếp trong Nhà trường.
TS. Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ 2, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo phổ biến những vấn đề cơ bản về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục
Từ kết quả công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ, các cơ sở giáo dục đối chiếu, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 04/2021/NĐ-CP và Nghị định 127/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Phát biểu kết luận Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh chân thành cảm ơn Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dành thời gian quý báu để trực tiếp đến để phổ biến, giáo dục pháp luật cho viên chức, người lao động Nhà trường.
Thời gian tới, Trường Đại học Vinh tiếp tục tập trung triển khai tổ chức thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực giáo dục tới toàn thể viên chức, người lao động và người học bằng hình thức phù hợp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Nhà trường; tiếp tục chỉ đạo viên chức, người lao động và người học trong việc thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ chủ động tìm hiểu, gương mẫu trong thực thi pháp luật; gắn việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ với việc thông tin, phổ biến pháp luật tới người học, phụ huynh người học; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, trong đó chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế.
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm
TT. ĐHV