Toàn cảnh Hội nghị
Tham dự Hội nghị có TS. Trần Anh Tuấn, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam; Ông Lê Doãn Hợp, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; TS. Phạm Minh Triết, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ; TS. Lê Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức Nhà nước, Bộ Nội vụ; TS. Phạm Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ địa phương, Ban Tổ chức Trung ương; TS. Ngô Minh Đức, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Nguyễn Thanh Bình, Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm Thông tin Bộ Nội vụ; Ông Nguyễn Phước Thọ, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ; Ông Đoàn Cường, Nguyên Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ; Ông Đậu Văn Thanh, Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An; Ông Đậu Đình Dương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An.
Về phía Trường Đại học Vinh có TS. Nguyễn Ngọc Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; PGS.TS. Nguyễn Hoa Du, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Trần Bá Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Cúc, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ trường, Phó Hiệu trưởng; các đồng chí nguyên Lãnh đạo Trường qua các thời kỳ; Ban Chấp hành Đảng bộ trường, thành viên Hội đồng trường trong Trường; Trưởng, Phó trưởng các đơn vị; Ban chấp hành các tổ chức, đoàn thể; Ban soạn thảo Đề án chuyển Trường Đại học Vinh thành Đại học Vinh; Giảng viên chủ trì các ngành đào tạo đại học, sau đại học; Trưởng các nhóm nghiên cứu.
Đại biểu tham dự Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho biết, được thành lập từ năm 1959, trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, từ một trường đại học sư phạm đến nay Trường Đại học Vinh đã trở thành một trường đại học đa ngành; đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, dẫn dắt sự phát triển giáo dục và đào tạo của khu vực Bắc Trung Bộ; là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy sự phát triển của quốc gia và quốc tế. Hiện nay, với định hướng của Bộ Chính trị theo Nghị quyết số 39-NQ/TW về "Xây dựng, phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và Nghị quyết số 162/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, Nhà trường đang "tập trung đầu tư, phát triển trở thành trung tâm đào tạo uy tín trong khu vực và thế giới".
Để triển khai thực hiện các định hướng của Đảng, Chính phủ, Trường Đại học Vinh mong muốn đón nhận ý kiến tham vấn của các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học về Đề án chuyển Trường thành Đại học; xây dựng vị trí việc làm.
GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh phát biểu khai mạc Hội nghị
Trong buổi sáng ngày 25/5, Hội nghị tập trung việc xin ý kiến chuyên gia về Đề án chuyển Trường thành Đại học. Báo cáo tại Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Huy Bằng cho biết, là trường đại học đầu tiên trên Quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua 65 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Vinh đã đạt được những thành tựu quan trọng về nhiều mặt, đóng góp quan trọng vào việc đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước.
Đến nay, các điều kiện để chuyển Trường Đại học Vinh thành Đại học đã được đảm bảo đầy đủ theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học số 34/2018/QH14, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh báo cáo tại Hội nghị
Việc chuyển Trường Đại học Vinh thành Đại học Vinh trong thời điểm hiện nay cũng nhận được sự ủng hộ của các Bộ, Ngành Trung ương, nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Nghệ An; là nguyện vọng của tập thể cán bộ, giảng viên, các thế hệ học sinh, sinh viên, học viên của Nhà trường để Nhà trường có điều kiện tốt hơn, phát huy truyền thống, khơi nguồn sức mạnh, kiến tạo tương lai, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
TS. Trần Anh Tuấn, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam; Ông Lê Doãn Hợp, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh chủ trì Hội nghị
Phát biểu góp ý tại Hội nghị, các chuyên gia đến từ Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam đều đánh giá cao Đề án đã xây dựng của Trường Đại học Vinh. Khi được phê duyệt chuyển Trường thành Đại học, Đại học Vinh sẽ là một cơ sở đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học công nghệ đa lĩnh vực, chất lượng cao, đạt trình độ tiên tiến sẽ là trụ cột cho các cơ sở giáo dục đại học khu vực Bắc Trung Bộ, thúc đẩy giáo dục đại học của khu vực phát triển đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ chất lượng cao và chuyển giao tri thức phục vụ cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước, sớm hoàn thành mục tiêu trở thành Đại học thông minh, xếp hạng tốp 500 đại học hàng đầu châu Á vào năm 2030, xếp hạng tốp 1.000 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2045.
Các chuyên gia đến từ Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam phát biểu
Ông Lê Doãn Hợp, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu
Các ý kiến của nguyên Lãnh đạo Trường Đại học Vinh
Trong buổi chiều cùng ngày, Hội nghị xin ý kiến chuyên gia về xây dựng vị trí việc làm trong cơ sở giáo dục đại học. Báo cáo tại Hội nghị, TS. Thiều Đình Phong, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ Trường Đại học Vinh đã báo cáo tổng quan về Đề án vị trí việc làm mà Nhà trường đã xây dựng. Căn cứ vào các quy định của Nhà nước và các Bộ, Ngành, Trường Đại học Vinh đã công phu xây dựng Đề án để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi Đề án vị trí việc làm của Trường Đại học Vinh được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đây sẽ là cơ sở và tiền đề cho các hoạt động của Nhà trường gồm: thực hiện việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đánh giá, nâng ngạch, bổ nhiệm đối với viên chức và người lao động theo đúng vị trí việc làm trên nguyên tắc gắn tinh giản biên chế với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ trong các tổ chức, đơn vị; một vị trí việc làm sẽ do một hoặc một nhóm người đảm nhiệm và một người sẽ đảm nhiệm một hoặc nhiều hơn một vị trí việc làm trên cơ sở vị trí việc làm chính và vị trí việc làm kiêm nhiệm, đồng thời sẽ hướng tới trả lương theo vị trí việc làm.
TS. Thiều Đình Phong, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ Trường Đại học Vinh báo cáo tại Hội nghị
Trao đổi tại Hội nghị, các chuyên gia đến từ Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam cũng đánh giá cao Đề án đã xây dựng của Trường Đại học Vinh. Đề án được xây dựng công phu, có số liệu, bảng biểu minh họa cụ thể, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế và các vấn đề cần xem xét thật kỹ trước khi trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo ý kiến của các chuyên gia, việc xác định vị trí việc làm và cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức là nhằm xác định số lượng người làm việc gắn với từng vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức đối với đơn vị, tổ chức, làm cơ sở để cấp có thẩm quyền bổ sung nguồn nhân lực, bố trí số lượng người cần thiết, phù hợp với cơ cấu tổ chức, bộ máy của đơn vị, tổ chức, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở đó thực hiện công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ, viên chức có đủ tiêu chuẩn đảm đương công việc phù hợp với vị trí việc làm, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức.
Dẫn lời của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng và quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tại Hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, TS. Phạm Minh Triết, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ cho biết, xây dựng, quản lý vị trí việc làm là việc khó khăn, nhạy cảm, phức tạp nhưng là nhiệm vụ chính trị phải thực hiện, góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, là cơ sở để thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024 theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, tạo động lực và phát huy tính sáng tạo, tâm huyết của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi công vụ.
TS. Phạm Minh Triết, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ phát biểu
Tuy nhiên, các chuyên gia đề nghị, Trường Đại học Vinh cần chủ động lựa chọn phương thức triển khai phù hợp, đẩy mạnh phân cấp trong khuôn khổ quy định của pháp luật, bảo đảm tuân thủ các chủ trương, nguyên tắc của Trung ương, đồng thời, bảo đảm tính linh hoạt, tinh thần là khó tới đâu gỡ tới đó, không cầu toàn nhưng không được chủ quan, hời hợt, mục tiêu là đạt chất lượng cao nhất.
Đối với những nội dung chưa rõ, Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam sẵn sàng giúp đỡ Nhà trường, tiếp tục tư vấn để có giải pháp tháo gỡ, hoàn thành việc xây dựng và ban hành Đề án để triển khai thực hiện.
TS. Trần Anh Tuấn, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam phát biểu
Kết luận Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh chân thành cảm ơn các chuyên gia đến từ Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam đã đến thăm và có nhiều ý kiến đóng góp cho Nhà trường. Trường Đại học Vinh sẽ tiếp tục hoàn thiện các đề án và mong muốn có thêm các ý kiến của các chuyên gia; đồng thời mong muốn có được sự ủng hộ của các chuyên gia với tư cách là các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của các Bộ, Ngành để Nhà trường sớm phát triển thành Đại học Vinh, đại học thông minh xếp hạng tốp 500 đại học hàng đầu châu Á vào năm 2030, xếp hạng tốp 1.000 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2045.
GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh kết luận Hội nghị
TT. ĐHV