Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh
đạo Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hơn 100 đại biểu là
lãnh đạo, cán bộ làm công tác thanh tra của các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục
và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng trong cả
nước.

GS.TS. Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Nhà trường tham dự Hội nghị
Theo báo cáo, công tác thanh
tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong 6 năm qua đạt được nhiều kết quả. Bộ đã
ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác thanh tra và văn bản chỉ đạo
ở nhiều mặt hoạt động. Các Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục đại học đã
ban hành nhiều văn bản triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng
dẫn của Bộ về công tác thanh tra. Hàng năm, căn cứ Luật Thanh tra, Thông tư số
01/2014/TT-TCCP ngày 23/4/2014 của Thanh tra Chính phủ; định hướng chương trình
thanh tra đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hướng dẫn việc xây dựng kế
hoạch thanh tra của Tổng Thanh tra Chính phủ; yêu cầu công tác quản lý nhà
nước, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của Bộ Bộ
giáo dục và Đào tạo; vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được đăng tải trên
báo chí hoặc dư luận xã hội quan tâm, Thanh tra Bộ xây dựng kế hoạch thanh tra
trình Bộ trưởng xem xét, phê duyệt theo quy định của Luật Thanh tra.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức
các cuộc thanh tra về dạy thêm, học thêm, thu chi đầu năm. Qua thanh tra đã
phát hiện các sai phạm và kịp thời ngăn ngừa, chấn chỉnh sai phạm. Trong 3 năm
học gần đây, Bộ đã thực hiện đổi mới về kỳ thi THPT Quốc gia, Thanh tra đã xây
dựng kế hoạch phối hợp tổ chức thanh tra tại các Hội đồng thi, điểm thi ở các
địa phương từ khâu chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, xét tuyển. Công tác thanh
tra thi chú ý tại các điểm nóng, có thông tin phản ánh tiêu cực và các nơi có
địa hình khó khăn, phức tạp. Tuy nhiên, Hội nghị cũng chỉ ra một số tồn tại,
hạn chế cơ bản như: Nhận thức về vị trí, vai trò, cách thức tổ chức và hoạt
động ở nhiều nơi còn hạn chế, nhất là ở các cơ sở giáo dục đại học.
Thực hiện Luật Thanh tra, trong
6 năm qua (2011 - 2017), Trường Đại học Vinh đã làm tốt công tác giám sát, thanh
tra trên nhiều mặt hoạt động, góp phần tạo ổn định và phát triển của Nhà trường.
Hàng năm, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường chỉ đạo các đơn vị, trong đó Phòng
Thanh tra Giáo dục là đơn vị chủ trì, xây dựng kế hoạch thanh tra; tổ chức tập
huấn nghiệp vụ thanh tra cho cộng tác viên; thanh tra việc thực hiện các nội
quy, quy chế, mục tiêu, kế hoạch, chương trình, nội dung giáo dục, quy chế đào
tạo; thực hiện các quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng dạy - học, chế độ
chính sách cho cán bộ và người học; thực hiện công tác phòng chống tham nhũng trong
lĩnh vực giáo dục; làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác tiếp
dân theo quy định của pháp luật.v.v…
Phát biểu tại Hội nghị,
GS.TS.NGƯT. Đinh Xuân Khoa - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường đã nhấn
mạnh những kết quả Trường Đại học Vinh đạt được, đồng thời nêu lên một số đề
xuất giải pháp đối với công tác thanh tra trong các cơ sở giáo dục trước tình
hình mới: Một là, cần phải có các quy
định cụ thể để đảm bảo sự tự chủ về công tác thanh tra khi các trường đại học,
cao đẳng chuyển sang cơ chế tự chủ trong thời gian tới; Hai là, tiếp tục nâng cao chất lượng, chuyên môn nghiệp vụ của đội
ngũ làm công tác thanh tra đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của giáo dục và đào
tạo; Ba là, quan tâm và có các cơ chế,
chính sách thỏa đáng đối với những người làm công tác thanh tra...
Bài, ảnh: Phòng Thanh tra Giáo dục