Cùng đi với GS.TS. Huỳnh Quyết Thắng có PGS.TS. Ngô Chí Trung, Trưởng ban Thanh tra, Pháp chế và Kiểm toán nội bộ; PGS.TS. Trương Việt Anh, Trưởng ban Khoa học - Công nghệ; PGS.TS. Vũ Duy Hải, Trưởng ban Tuyển sinh; TS. Tạ Anh Sơn, Phó Trưởng ban Tổ chức - Nhân sự; Ông Hoàng Văn Quang, Chuyên viên chính Ban Tổ chức - Nhân sự.
Đoàn công tác của Đại học Bách khoa Hà Nội
Đón tiếp và làm việc với đoàn, về phía Trường Đại học Vinh có GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng và đại diện Lãnh đạo một số phòng ban, các trường thuộc.
Phát biểu chào mừng đoàn công tác của Đại học Bách khoa Hà Nội và đặt vấn đề buổi làm việc, GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho biết, hiện nay Nhà trường đang đẩy mạnh hoàn thiện Đề án chuyển trường thành đại học, "tập trung đầu tư, phát triển trở thành trung tâm đào tạo uy tín trong khu vực và thế giới" theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW về "Xây dựng, phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 162/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW.
Đại học Bách khoa Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học kỹ thuật đầu tiên và hàng đầu của cả nước; đã thực hiện thành công việc chuyển từ trường đại học thành đại học theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học số 34/2018/QH14 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP. Trường Đại học Vinh mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm, cách làm để sớm trình Đề án cho các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh phát biểu chào mừng và đặt vấn đề buổi làm việc
Chia sẻ tại buổi làm việc, GS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, Đại học Bách khoa Hà Nội kiên định con đường phát triển thành đại học nghiên cứu tự chủ đa ngành, đa lĩnh vực, đổi mới mô hình quản trị, tinh gọn bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức, phục vụ cộng đồng nhằm khẳng định vị thế trong nước và vươn ra quốc tế, đi tiên phong trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Từ năm 2006, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã xây dựng Đề án "Quy hoạch tổng thể xây dựng và phát triển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2006 - 2030". Trong đó, định hướng phát triển Trường thành mô hình Đại học nghiên cứu, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, một trung tâm nghiên cứu khoa học và kỹ thuật hiện đại, hội nhập hệ thống đại học khu vực và thế giới, là địa chỉ đầu tư và hợp tác tin cậy, hấp dẫn đối với các tổ chức, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
GS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu
Giai đoạn 2011 - 2015, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được thí điểm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Quyết định số 1211/QĐ-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Giai đoạn 2016 - 2020, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục thực hiện thí điểm tự chủ theo Quyết định số 1924/QĐ-TTg ngày 6/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Giai đoạn từ năm 2020 - nay, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tục thực hiện quá trình tự chủ, phát triển mô hình tổ chức thành đại học theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học số 34/2018/QH14 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP.
Nhà trường cũng đặt ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm là chuyển đổi thành công mô hình tổ chức, trong đó nhấn mạnh về xây dựng hình mẫu Đại học Bách khoa Hà Nội tự chủ và hiện đại, hình thành các trường thuộc là đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học trên cơ sở tái cấu trúc, sắp xếp, hợp nhất một số đơn vị chuyên môn.
Quang cảnh buổi làm việc
Sau một thời gian dài chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản và công phu, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã xây dựng Đề án chuyển đổi mô hình tổ chức Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ngày 02 tháng 12 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1512/QĐ-TTg chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội.
Theo đó Đại học Bách khoa Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, có quyền tự chủ cao cả về học thuật, tổ chức bộ máy, quản lý tài chính, tài sản... Trong quá trình tái cấu trúc theo mô hình Đại học, Đại học Bách khoa Hà Nội đã thành lập 5 Trường thuộc (Trường Cơ khí, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Điện - Điện tử, Trường Vật liệu, Trường Hoá và Khoa học Sự sống) trên cơ sở tổ chức lại 14 đơn vị chuyên môn cấp 2. Thành lập Văn phòng đại học, Ban chức năng và các Trung tâm dịch vụ trên cơ sở tổ chức lại các đơn vị hành chính, dịch vụ. Số đơn vị cấp 2 tiếp tục giảm từ 49 đơn vị còn 39 đơn vị. Trong các đơn vị tái cấu trúc, số lượng cán bộ quản lý giảm khoảng 45%.
Quang cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đại biểu hai Trường đã thẳng thắn trao đổi, chia sẻ các nội dung đã đạt được, các nội dung còn vướng mắc, trên cơ sở đó, Trường Đại học Vinh tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc các nội dung của Đề án.
Đại biểu Trường Đại học Vinh đặt câu hỏi với đoàn công tác Đại học Bách khoa Hà Nội
Cũng theo chia sẻ của đoàn công tác Đại học Bách khoa Hà Nội, mối quan hệ về quyền lực và trách nhiệm giữa Hội đồng Đại học, Đảng ủy và Giám đốc đại học được phân định rõ ràng. Đại học đã xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp làm việc giữa Đảng uỷ - Hội đồng Đại học - Giám đốc Đại học.
Đảng uỷ Đại học đã thể hiện và phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện, đặc biệt là về công tác cán bộ, xây dựng và ban hành các chủ trương đường lối làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đại học thông qua các nghị quyết, nghị quyết chuyên đề.
Hội đồng Đại học cũng đã được chuyển đổi, kiện toàn từ Hội đồng Trường và tổ chức, hoạt động đúng theo quy định của Luật 34 và các quy định phát luật khác. Hội đồng đại học ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động, Quy chế Quản lý tài chính, Quy chế Dân chủ cơ sở, quyết định những vấn đề quan trọng liên quan tới chiến lược, cơ cấu tổ chức, phân bổ nguồn lực và giám sát kết quả hoạt động của Đại học thông qua bộ chỉ số hoạt động chính BKPI.
Công tác quản lý, điều hành của Đại học cũng được thực hiện chuyên nghiệp, bài bản thông qua hệ thống văn bản quy định, quy trình ban hành bởi Giám đốc Đại học. Việc phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, triển khai mạnh mẽ phân cấp, phần quyền cũng giúp cho hệ thống điều hành quản lý vận hành trơn tru từ Đại học đến các đơn vị và đến từng cán bộ, người học. Cơ cấu hành chính, hỗ trợ tập trung được đặt nặng trên cấp Đại học nhằm tối ưu hoá nguồn lực và nâng cao hiệu quả hoạt động. Các Trường thuộc là đơn vị chuyên môn lớn, nhưng có cơ cấu tổ chức, bộ máy hành chính gọn nhẹ, được phân cấp và phân quyền mạnh không chỉ về học thuật mà cả về tổ chức, nhân sự, tài chính, nhưng không được phân lập, hoạt động thống nhất dưới hệ thống quản trị, quản lý và hỗ trợ tập trung từ Đại học, bảo đảm quan điểm "Một Bách khoa Hà Nội".
Đại biểu Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ các nội dung với đại biểu Trường Đại học Vinh
Kết luận buổi làm việc, GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh chân thành cảm ơn GS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội và đoàn công tác đã đến thăm và làm việc, chia sẻ các thông tin quý giá với Trường Đại học Vinh. Hy vọng tương lai không xa, Trường Đại học Vinh sớm được các cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển thành đại học; cùng với Đại học Bách khoa trở thành các cơ sở giáo dục hàng đầu cả nước, khu vực và thế giới, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại học đất nước.
GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh tặng quà cảm ơn GS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội và đoàn công tác
TT. ĐHV