Đồng chí Khamtay Siphandone là một trong những thế hệ lãnh đạo đầu tiên của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, là hạt nhân chủ chốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tham gia lãnh đạo, chỉ đạo cuộc cách mạng dân tộc dân chủ trước đây và sự nghiệp bảo vệ, phát triển đất nước hiện nay.
Đồng chí cũng là người đi đầu trong việc thực hiện đường lối đổi mới toàn diện và có nguyên tắc của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Đồng chí là một nhà yêu nước, một nhà cách mạng và là nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng và dân tộc Lào.
CẢ CUỘC ĐỜI CỐNG HIẾN CHO SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG
Đồng chí Khamtay Siphandone là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên của cách mạng Lào. Với tinh thần yêu nước cao cả, đồng chí đã kề vai sát cánh với Chủ tịch Kaysone Phomvihane và các lãnh đạo của Lào lãnh đạo phong trào cách mạng Lào trưởng thành, phát triển và giành được những thắng lợi liên tiếp, giành được kết quả toàn thắng và đưa đất nước từng bước tiến lên mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội một cách vững chắc.
Đồng chí Khamtay Siphandone luôn nhận được sự yêu mến và tin cậy từ tập thể lãnh đạo cũng như cán bộ chiến sĩ và nhân dân các dân tộc Lào. Đồng chí đã được giao nhiều trọng trách quan trọng.

Đồng chí Khamtay Siphandone
Đồng chí Khamtay Siphandone sinh ngày 8/2/1924 trong gia đình nông dân chăm chỉ siêng năng tại bản Huakhongphanhay, huyện Khong, tỉnh Siphandon (nay là tỉnh Champasak), có truyền thống đấu tranh chống thực dân Pháp và phong kiến địa phương.
Năm 1931, khi vừa tròn 7 tuổi, ông ngoại (anh ruột của bà ngoại), là viên chức ngành giáo dục tại Vientiane đã đưa đồng chí Khamtay Siphandone về ở cùng và học tại Vientiane trong 10 năm, khi tốt nghiệp trường trung học Pavie (College PAVIE), đồng chí được đi học tiếp tại Sài Gòn (miền Nam Việt Nam).
Năm 1945, sau khi tốt nghiệp ở Sài Gòn, đồng chí trở lại Lào và được nhận vào làm viên chức. Khi thực dân Pháp cai trị Lào đã chấp nhận để cho phát xít Nhật nắm quyền cai trị Đông Dương, đồng chí Khamtay Siphandone được gửi đến Côn Minh (Trung Quốc), từ đó đã lên đường đi Ấn Độ và trở lại Sài Gòn, Việt Nam. Khi đi qua các nước, đồng chí đã được thấy và tiếp xúc trực tiếp với phong trào đấu tranh chống đế quốc xâm lược của các nước.
Năm 1946, đồng chí Khamtay Siphandone trở lại Lào và được nhận vào làm viên chức. Khi Lào một lần nữa nằm dưới sự cai trị của thực dân Pháp, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân Lào phát triển. Đồng chí Khamtay Siphandone đã tham gia phong trào của viên chức, thanh niên, học sinh sinh viên; thành lập hội thể thao để hoạt động đấu tranh chống thực dân Pháp một cách hợp pháp và bí mật.
Năm 1947, trong điều kiện không thể tiếp tục tiến hành đấu tranh chống Pháp theo hình thức hợp pháp và bí mật được nữa, đồng chí Khamtay Siphandone đã liên lạc với phong trào Lào Issara tại khu căn cứ thuộc vùng biên giới Lào - Thái Lan để tham gia lực lượng của Mặt trận Lào Issara. Đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời, cũng là điểm khởi đầu của cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Khamtay Siphandone.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lào Khamtay Siphandone lên chiếc máy bay P5 trong chuyến thăm Bộ tư lệnh Quân khu 7 và thăm sân bay Biên Hòa (năm 1977)
Tham gia phong trào đấu tranh chống Pháp
Sau khi gia nhập lực lượng đấu tranh, Chính phủ Lào kháng chiến đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Khamtay Siphandone trở thành người giúp đỡ Chính phủ Lào kháng chiến trong việc lãnh đạo lực lượng quân đội Lào Issara, tiếp đó được giao trọng tách Tổng tham mưu trưởng quân đội Lào Issara và được giao trọng trách chỉ huy quân đội chiến đấu chống lại thực dân đế quốc với danh nghĩa Quân đội Lào kháng chiến. Ở mỗi nhiệm vụ được giao, đồng chí Khamtay Siphandone đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt, đặc biệt là việc xây dựng và củng cố lực lượng Quân đội Lào Issara trở nên vững mạnh.
Tháng 2/1949, đồng chí Khamtay Siphandone ra quyết định thành lập Ủy ban kháng chiến khu Hạ Lào. Với tầm nhìn chiến lược, đồng chí Khamtay Siphandone đã chỉ đạo cuộc đấu tranh tại khu vực miền nam phát triển nhanh chóng và đạt được thắng lợi, chính quyền cũ bị xóa bỏ, chính quyền mới cấp bản, xã và huyện của tỉnh Attapeu và Champasack được thành lập.
Lãnh đạo kháng chiến ở khu vực Trung Lào
Cuối năm 1949 - 1950, thực dân Pháp tiến hành âm mưu dùng người Lào để đánh người Lào, phá hoại phong trào đấu tranh một cách khốc liệt. Đầu năm 1952, thực dân Pháp tiến hành càn quét khu căn cứ miền trung hòng chia cắt khu vực miền trung ra làm nhiều phần. Trước tình thế cấp bách đó, đồng chí Khamtay Siphandone đã được cử đến củng cố lực lượng tại miền trung. Đồng chí Khamtay Siphandone đã đến gặp Ủy ban chịu trách nhiệm khu vực miền trung, khẩn trương chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng, củng cố tổ chức, tăng cường lực lượng về mọi mặt nhắm vào cơ sở, dựa vào nhân dân và nắm lấy nhân dân. Với sự chỉ đạo đúng đắn và sát hợp với thực tế của đồng chí Khamtay Siphandone, trong thời gian ngắn đã khiến cho phong trào đấu tranh tại Trung Lào được phục hồi và phát triển nhanh chóng.
Tháng 8/1950, Đại hội Mặt trận Lào kháng chiến toàn quốc lịch sử được khai mạc tại miền trung. Tại Đại hội lần này, đồng chí Khamtay Siphandone được bầu làm Ủy viên trung ương Mặt trận Lào Issara và sau đó được giao nhiệm vụ làm việc tại Văn phòng Trung ương Mặt trận Lào Issara và Văn phòng Chính phủ kháng chiến.
Cuối năm 1953, thông qua phối hợp giữa lực lượng kháng chiến Lào và Việt Nam, đồng chí Khamtay Siphandone đã mở chiến dịch Trung Lào và thành lập bộ chỉ huy chiến dịch gọi tắt là "mặt trận D" và được cử làm Tư lệnh chiến dịch này. Cuối tháng 4/1954, chiến dịch Trung Lào kết thúc, quân địch bị đánh bại nặng nề trên toàn mặt trận 3 nước Đông Dương, thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva năm 1954 về Đông Dương.

Tổng Bí thư Lê Duẩn tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lào Khamtay Siphandone thăm hữu nghị Việt Nam, năm 1977
Lãnh đạo chỉ huy đấu tranh bảo vệ 2 tỉnh tập kết và thực hiện hòa hợp lần thứ nhất
Năm 1955, đồng chí Khamtay Siphandone được giao lãnh đạo - chỉ huy bảo vệ 2 tỉnh tập kết và thực hiện hòa hợp dân tộc. Đồng thời, còn được giao lãnh đạo công tác tại 10 tỉnh và là cán bộ kiểm tra việc thực hiện Hiệp định Geneva của Ủy ban quốc tế tại Lào. Đồng chí Khamtay Siphandone cùng các nước thành viên trong đoàn kiểm tra quốc tế đã chủ động kiểm tra việc tổ chức thực hiện Hiệp định và bắt buộc phe đối lập phải thực hiện nghiêm chỉnh.
Năm 1956, đồng chí Khamtay Siphandone trở thành ủy viên Ban lãnh đạo trung ương Đảng và nhận nhiệm vụ chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp công tác xây dựng cơ sở tại 10 tỉnh. Quân địch bị thất bại trong việc tấn công 2 tỉnh tập kết nên phải trở lại đàm phán với lực lượng Pathet Lào. Trung ương Đảng đã thành lập Ban đàm phán, trong đó đồng chí Khamtay Siphandone là Phó Trưởng Ban về quân sự. Chủ tịch cùng Ban quân sự trung ương đã bố trí lực lượng vũ trang sẵn sàng đối phó với sự trở mặt của quân địch.
Lãnh đạo chiến đấu chống chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai dẫn tới Hiệp định Vientiane năm 1973
Bước sang năm 1964 - 1965, đế quốc Mỹ và tay sai tiếp tục leo thang chiến tranh đặc biệt tại Lào hòng xóa sổ lực lượng cách mạng Lào, khiến cho chiến tranh đặc biệt trở thành chiến tranh đặc biệt tăng cường. Trước tình hình mới, đồng chí Khamtay Siphandone cùng Đảng ủy quân sự trung ương và Bộ chỉ huy tối cao đã mở nhiều cuộc họp, đặc biệt là cuộc họp rút kinh nghiệm trong chiến đấu; việc củng cố lực lượng vũ trang về mặt số lượng và chất lượng để tiếp tục đánh bại đế quốc Mỹ và tay sai.
Tháng 7/1967, Đảng ủy quân sự trung ương do đồng chí Kaysone Phomvihane và đồng chí Khamtay Siphandone lãnh đạo đã mở hội nghị quân sự-chính trị. Hội nghị đã đổi tên đội quân Pathet Lào trở thành Quân đội giải phóng nhân dân Lào, do đồng chí Khamtay Siphandone làm chỉ huy tối cao duy nhất, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng ủy quân sự trung ương và Bộ chỉ huy tối cao, trong các năm 1966, 1967, 1968 lực lượng cách mạng đã đánh bại quân địch trên khắp các mặt trận ở Thượng Lào, Trung Lào và Hạ Lào.
Ngày 3/2/1972, tại Đại hội lần thứ 2 của Đảng, đồng chí Khamtay Siphandone được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Đồng chí Khamtay Siphandone tiếp tục chỉ đạo chiến đấu chống đế quốc Mỹ và tay sai liên tiếp giành thắng lợi, khiến cho Mỹ và tay sai phải ký Hiệp định Vientiane ngày 21/2/1973.
Lãnh đạo đấu tranh thực hiện Hiệp định Vientiane năm 1973 và giành chính quyền trong cả nước
Hiệp định Vientiane ngày 21/2/1973 là thắng lợi to lớn của cách mạng Lào, là cơ sở chính trị và pháp luật để nhân dân Lào tiếp tục đấu tranh hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Cuối năm 1973, sự nổi dậy của quần chúng tại các đô thị trong cả nước để yêu cầu thực hiện Hiệp định Vientiane đã trở thành phong trào sôi nổi. Đồng chí Khamtay Siphandone với danh nghĩa Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và là người chỉ huy cao nhất của Quân giải phóng nhân dân Lào đã tích cực củng cố lực lượng vũ trang và xây dựng thế trận toàn diện trong cả nước để phối hợp với cuộc nổi dậy của nhân dân.
Ngày 14/9/1973, phe Vientiane chấp nhận ký kết Nghị định thư Vientiane. Đầu năm 1975, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đánh giá các yếu tố đối với khả năng nổi dậy giành chính quyền trong cả nước. Chủ tịch Khamtay Siphandone đã đề xuất tại Hội nghị 3 bước chiến lược để giành chính quyền. Ngày 23/8/1975, nhân dân thủ đô Vientiane đã mít-tinh để tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng mới của thủ đô Vientiane. Trong các ngày 01 - 02/12/1975, Đại hội đại biểu toàn quốc lịch sử đã diễn ra, Đại hội đã tuyên bố xóa bỏ chế độ quân chủ, thành lập chế độ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân.

Đồng chí Khamtay Siphandone, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lào phát biểu tại buổi gặp mặt các chuyên gia, gia đình quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh ở chiến trường Lào (năm 1977)
Chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược và sự nghiệp đổi mới
Đồng chí Khamtay Siphandone với tư cách Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, người chỉ huy cao nhất của Quân đội nhân dân Lào đã kề vai sát cánh với đồng chí Kaysone Phomvihane và các vị lãnh đạo khác cùng nhau nghiên cứu và đề ra đường lối chính sách trong từng giai đoạn một cách đúng đắn phù hợp và lãnh đạo việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị và pháp luật đã ban hành trong từng giai đoạn để đem lại kết quả thực tế. Tiêu biểu là lãnh đạo tổ chức thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là sự nghiệp bảo vệ chế độ mới và xây dựng đất nước.
Ngày 15/8/1991, Hội nghị Hội đồng nhân dân tối cao Khóa II đã thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, đồng thời thông qua việc bầu đồng chí Khamtay Siphandone làm Thủ tướng. Ngày 24/11/1992, Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã thống nhất bầu đồng chí Khamtay Siphandone làm Chủ tịch Đảng.
Với tư cách người đứng đầu Chính phủ Lào, tiếp đó là người lãnh đạo cao nhất của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, đồng chí Khamtay Siphandone đã phát huy tính chủ động và tinh thần trách nhiệm cao nhất, chỉ đạo việc nghiên cứu lý luận của Đảng, tầm nhìn, chiến lược, đường lối, chính sách phát triển đất nước trong dài hạn và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn phù hợp điều kiện cơ chế mới, cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Tại Đại hội lần thứ VII Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Khamtay Siphandone đã chỉ đạo tổng kết 10 năm đổi mới và thông qua 5 bài học kinh nghiệm của công cuộc đổi mới tại Lào và ban hành Nghị quyết của Trung ương Đảng về việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tất cả những đóng góp quan trọng trên là công sức, trí tuệ và tư duy sáng tạo của Chủ tịch Khamtay Siphandone trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng phát triển đất nước và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới để đem lại kết quả thực tế như ngày nay.
Từ khi nghỉ hưu năm 2006, Chủ tịch Khamtay Siphandone tiếp tục quan tâm theo dõi tình hình đất nước; tiếp tục hoạt động không mệt mỏi để góp phần vào công cuộc củng cố xây dựng Đảng vững mạnh, xây dựng Nhà nước trở thành nhà nước pháp quyền và phục vụ nhân dân. Ông dành nhiều thời gian đi thăm và có ý kiến giúp cho các đồng chí lãnh đạo Đảng-Nhà nước ở trung ương và địa phương; xây dựng trang trại, dự án sản xuất kiểu mẫu, xây dựng những công trình phúc lợi công cộng cho cộng đồng và động viên, khuyến khích nhân dân cùng tham gia.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đón Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, năm 1999
GÓP PHẦN XÂY DỰNG NỀN MÓNG CHO QUAN HỆ VIỆT NAM - LÀO
Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong, đồng chí Khamtay Siphandone và các nhà lãnh đạo hai nước đã đặt nền móng vững chắc, vun đắp cho tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung.
Năm 1947, tại tỉnh Quảng Ngãi, với tư cách đại biểu Chính phủ Lào kháng chiến, đồng chí Khamtay Siphandone gặp đồng chí Phạm Văn Đồng, đại biểu thường trực Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam. Hai bên thống nhất về hình thức và cách thức để phối hợp giúp đỡ lẫn nhau cùng chiến đấu chống lại thực dân Pháp. Đây là dấu mốc quan trọng đối với sự hình thành liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đức Lương tiếp Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, năm 2002

Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, năm 2002
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Khamtay Siphandone, đồng chí Khamphan Pheuyavong, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào cho biết, trong giai đoạn kháng chiến, cứu quốc, đồng chí Khamtay Siphandone đã cùng chia ngọt sẻ bùi, kề vai sát cánh với các chuyên gia quân sự và bộ đội tình nguyện Việt Nam trong nhiều trận đánh ở nhiều chiến trường khác nhau, góp phần cho chiến thắng vẻ vang của hai dân tộc trong cuộc chiến chống kẻ thù chung. Trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, Chủ tịch Khamtay Siphandone luôn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau.
Đồng chí Khamphan Pheuyavong khẳng định, tất cả những đóng góp quan trọng, trí tuệ và tư tưởng sáng tạo không mệt mỏi của Chủ tịch Khamtay Siphandone trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước Lào đã góp phần không nhỏ vào việc vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào - Việt Nam anh em.

Thiếu nhi xã Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh chào đón Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone tới thăm, năm 2002
Nguồn: Báo Nhân dân