PV: Thưa ông, 70 năm trước chiến dịch Điện Biên Phủ được xem là “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây cũng là một dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta. Nhìn lại cuộc chiến đấu này, theo ông điều gì đã làm nên chiến thắng?
Tiến sĩ Lê Thế Cường: Đã có nhiều học giả tổng kết vấn đề này dưới nhiều góc độ khác nhau, theo tôi các yếu tố chủ yếu làm nên chiến thắng là:
Thứ nhất, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xác định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh và huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Với đường lối toàn dân, toàn diện, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hậu phương và tiền tuyến đã được phát huy cao nhất, kịp thời cung cấp đầy đủ mọi yêu cầu về lương thực, thực phẩm, trang bị, vũ khí trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch. Đây là một nỗ lực phi thường, phát huy cao nhất truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sức mạnh cả nước, nằm ngoài tính toán của thực dân Pháp. Trong đó, vai trò của hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh hết sức quan trọng, như Tổng Bí thư Lê Duẩn ghi nhận: “Không có Thanh - Nghệ - Tĩnh, không có Điện Biên Phủ”.
Bộ Chính trị tổ chức họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 6/12/1953, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ
Thứ hai, bản lĩnh, trí tuệ và bám sát thực tiễn của Quân đội nhân dân Việt Nam đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong quyết định kịp thời thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch đúng đắn, hiệu quả. Sự chỉ đạo chiến dịch với quyết định lịch sử chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, thể hiện bản lĩnh kiên định, trí tuệ sắc sảo, tư duy quân sự sáng suốt và ý chí quyết chiến, quyết thắng của vị tướng tài ba Võ Nguyên Giáp là nguyên nhân trực tiếp có tính chất quyết định.
Thứ ba, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn thể dân tộc, nhất là các chiến sĩ xung kích ngoài mặt trận, trực tiếp chiến đấu chống quân thù. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến sự ủng hộ tinh thần của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội… cũng góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Dân công sử dụng xe đạp thồ vận chuyển lương thực ra mặt trận; Bộ đội ta kéo pháo cao xạ vào chiến trường Điện Biên Phủ; Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các chiến sĩ Điện Biên; Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiều 7/5/1954
PV: Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ có ý nghĩa đối với Việt Nam mà còn với nhiều nước thuộc địa khác. Ảnh hưởng của chiến thắng này đối với phong trào cách mạng thế giới là gì, thưa ông?
Tiến sĩ Lê Thế Cường: Chiến thắng Điện Biên Phủ đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa kiểu cũ của chủ nghĩa đế quốc, mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”.
Trước đó, chúng ta biết rằng, đến năm 1900, chủ nghĩa thực dân phương Tây đã đẩy mạnh xâm chiếm thuộc địa và thiết lập sự thống trị của mình ở 90,4% diện tích châu Phi, 56,6% diện tích châu Á và 27,2% diện tích châu Mỹ. Vì thế, chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện đặc biệt. Lần đầu tiên quân đội của một nước nhỏ từng là thuộc địa ở châu Á, một đất nước vừa mới giành được độc lập chưa lâu đã đánh bại đội quân hiện đại và tối tân của một cường quốc châu Âu. Chiến thắng được xem là một thảm họa bất ngờ đối với thực dân Pháp và cũng là một đòn giáng mạnh với thế giới phương Tây, đã đánh bại âm mưu duy trì chế độ thuộc địa ở Đông Dương của Pháp và buộc Pháp phải đàm phán, ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Tướng De Castries (đi đầu) cùng toàn bộ Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trong một thời gian ngắn sau đó, nhiều quốc gia châu Phi đã giành được độc lập. Như một điều tất yếu, “tinh thần Điện Biên Phủ” cũng đã vượt đại dương sang Tây bán cầu đến với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Mỹ Latinh. 4 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cách mạng Cu Ba giành được thắng lợi.
Thời điểm nổ ra chiến dịch Điện Biên Phủ cũng là lúc cục diện thế giới trong trật tự hai cực và Chiến tranh lạnh đang diễn biến cực kỳ phức tạp. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã phá tan những tính toán chiến lược của phía Pháp và Mỹ là muốn ra đòn quyết định giành phần thắng cuối cùng, vừa đánh bại lực lượng kháng chiến của Việt Nam, vừa ngăn chặn “làn sóng cộng sản” đang lan tràn ở Đông Nam Á. Chiến thắng này đã góp phần củng cố, phát triển thêm sức mạnh cho hệ thống XHCN trên phạm vi toàn thế giới.
Bảy thập kỷ đã trôi qua nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên tầm vóc và ý nghĩa thời đại của nó. Chiến thắng đó không những là “cây cột mốc bằng vàng” trong lịch sử dân tộc Việt Nam, mà còn là một sự kiện vĩ đại “đã làm cho các thuộc địa ngửng cao đầu”, “góp phần làm thay đổi cục diện thế giới”. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chứng minh rằng: “Trong thời đại ngày nay bất cứ dân tộc nào dùng sức mạnh để áp đặt ý muốn của mình lên dân tộc khác thì cuối cùng nhất định sẽ thất bại”.
PV: Lúc sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng tài ba chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã nói: “Cần phải phát huy tinh thần của chiến thắng Điện Biên năm xưa vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay”. Theo ông, những giá trị nào từ xưa cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị?
Tiến sĩ Lê Thế Cường: Chiến thắng Điện Biên Phủ là thực tiễn sinh động về bài học về đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh toàn dân tộc. Trong công cuộc xây dựng đất nước, muốn phát triển nhanh, mạnh, bền vững phải tạo nên được sự đồng tâm nhất trí của toàn dân tộc, từ miền xuôi đến miền ngược, không phân biệt già trẻ, gái trai, dân tộc, tôn giáo, đảng phái, giai cấp… cùng tin tưởng và thực hiện theo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thực tiễn chiến thắng Điện Biên Phủ cho thấy, từ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, niềm tin của nhân dân vào đường lối của Đảng là nguồn sức mạnh tinh thần quý giá để phát triển và hội nhập.
Các đại biểu tham quan Triển lãm chuyên đề "Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng", ngày 25/4/2024 tại thành phố Vinh
PV: Việt Nam là một dân tộc đặc biệt kiên cường. Điều đó được thể hiện quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, tiêu biểu là Chiến thắng Điện Biên Phủ. Việc giáo dục truyền thống dân tộc có ý nghĩa gì đối với thế hệ trẻ ngày nay thưa ông?
Tiến sĩ Lê Thế Cường: Thế hệ trẻ là những người ít tuổi, không được trực tiếp chứng kiến các sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc như cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược… Qua nhận thức về diễn biến, kết quả và ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng, cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nói chung, thế hệ trẻ được tiếp thêm sức mạnh về tinh thần, để từ đó giúp họ sẵn sàng cống hiến cho sự giàu mạnh vững bền của đất nước. Đây là niềm tự hào, vừa là trọng trách to lớn đặt lên vai thế hệ trẻ.
Học sinh tìm hiểu về Lịch sử tại Bảo tàng Quân khu 4
Việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh dân tộc. Giáo dục truyền thống để chúng ta nhìn về quá khứ, thấy rõ hiện tại, hướng tới tương lai, cùng nhau vững bước đi lên.
Trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam diễn ra trong bối cảnh có nhiều thuật lợi nhưng cũng không ít khó khăn thách thức. Sự nghiệp giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ không chỉ là nhiệm vụ của nhà trường, các cấp Đoàn - Hội - Đội mà là sự chung tay của toàn bộ hệ thống chính trị, toàn xã hội với chiến lược, chính sách và biện pháp rõ ràng. Việc bồi dưỡng, giáo dục truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ để xây dựng các thế hệ thanh niên “vừa hồng vừa chuyên” là nhiệm vụ chiến lược trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
PV: Để học sinh học và yêu môn Lịch sử thì việc dạy Lịch sử trong nhà trường rất quan trọng. Những năm qua, việc dạy học Lịch sử cho học sinh đang còn nhiều hạn chế. Theo ông, chúng ta cần phải thay đổi như thế nào để lịch sử không còn là những bài học chỉ thiên về số liệu mà trở thành một môn học hấp dẫn. Ở khoa Lịch sử, các ông sẽ có những điều chỉnh như thế nào để đào tạo ra đội ngũ giáo viên đáp ứng được yêu cầu dạy học mới?
Tiến sĩ Lê Thế Cường: Trong thời gian qua, dư luận xã hội đã phê phán gay gắt thực trạng thờ ơ, kiến thức Lịch sử nghèo nàn, yếu kém của học sinh; phương pháp dạy học khô khan, chỉ thiên về số liệu, kém hấp dẫn của giáo viên. Thực tế, trong những năm qua, giáo viên sử dụng các phương pháp dạy học theo lối truyền thống (thường là thầy giảng - trò nghe, ghi bài và học thuộc lòng) còn rất nhiều hạn chế, chưa thể đáp ứng đầy đủ những yêu cầu của bộ môn Lịch sử. Nhắc đến học Lịch sử đối với nhiều thế hệ học sinh, là môn học kiến thức, sự kiện nhiều, cách học thuộc lòng đơn thuần “khó nhớ mà lại nhanh quên” khiến nhiều học sinh trở nên ít hứng thú, thậm chí giảm động lực học Lịch sử.
Học sinh, sinh viên với các tiết mục văn nghệ tái hiện lại cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc
Hiện nay, trong Chương trình Giáo dục phổ thông, môn Lịch sử đã có nhiều cải tiến mạnh mẽ. Lịch sử cũng đã trở thành môn thi bắt buộc với học sinh lớp 12. Vì thế, với một chương trình tương đối tiến bộ, giáo viên được tập huấn bài bản, tôi tin rằng môn Lịch sử sẽ trở thành một môn học hấp dẫn nếu giáo viên thực hiện thuần thục quan điểm dạy học của Chương trình mới.
Bản thân chúng tôi, trước yêu cầu mới hiện nay, việc xây dựng Chương trình đào tạo môn Lịch sử cũng cần phải thay đổi. Từ năm 2021, chúng tôi tiếp tục phát triển chương trình bám sát Chương trình giáo dục phổ thông mới của môn Lịch sử cả về nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo chuẩn đầu ra. Nhiều phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực đã được áp dụng như: làm việc nhóm, đóng vai… để sinh viên có thể nâng cao năng lực, gây hứng thú cho người học sau này.
Tiến sĩ Lê Thế Cường trong chuyến về thăm Điện Biên Phủ
Trong một khóa học 4 năm, ngoài học tập trên lớp, sinh viên được trải nghiệm ở trường phổ thông, tổ chức học thực tế trên hiện trường lịch sử. Tôi tin rằng, những bài học trải nghiệm sẽ góp phần đào tạo đội ngũ giáo viên Lịch sử tương lai có thể chuyển tải tinh thần học tập môn Lịch sử, góp phần quan trọng tạo hứng thú cho người học.
PV: Xin cảm ơn ông!.
Nguồn: Báo Nghệ An