Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục và đơn vị trực thuộc Bộ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; đảm bảo thông tin kịp thời, đầy đủ về cơn bão, đặc biệt ở vùng ven biển,bãi giữa và hạ lưu các con sông và vùng thấp trũng để chủ động các biện pháp phòng tránh mưa ngập.
Tổ chức trực ban 24/24 giờ, duy trì liên hệ, thông báo ứng cứu kịp thời; thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp ở địa phương trong công tác ứng phó bão lũ và tìm kiếm cứu nạn.
Thủ trưởng các cơ sở giáo dục và đào tạo có phương án đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, giáo viên và giảng viên; chủ động tạo điều kiện cho người dân tránh trú mưa bão trong điều kiện cho phép.
Lên phương án bảo đảm an toàn tài sản, cơ sở vật chất, công trình trường học, chủ động di dời máy móc, thiết bị dạy học, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để tránh hư hại tài sản; sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ cho công tác thi tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Thực hiện vệ sinh trường lớp ngay sau khi hết mưa; có kế hoạch phòng chống các dịch bệnh, khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra.
Tổng hợp thiệt hại (nếu có) và phương án xử lý báo cáo UBND cấp tỉnh để có phương án khắc phục, đồng thời báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo theo địa chỉ: Cục Cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo - Số 35, Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (người liên hệ Ông Trần Gia Khánh, chuyên viên Cục Cơ sở vật chất, điện thoại 0917710440) để Bộ tổng hợp báo cáo Chính phủ có phương án hỗ trợ.
Xem File đính kèm!