Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 18/10, vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 18,1 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 210km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 14, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 15km/h.

Dự báo: Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, vị trí tâm bão cách Quảng Bình - Quảng Trị khoảng 350km về phía Đông. Trong 48 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, vị trí tâm bão trên vùng biển Hà Tĩnh - Quảng Bình. Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Do ảnh hưởng của bão, dự kiến từ ngày 21/10/2022, ở khu vực tỉnh Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Để chủ động phòng chống mưa bão, giảm thiểu tối đa các thiệt hại về người và tài sản, Nhà trường yêu cầu:

1. Trưởng các đơn vị trong toàn trường phải chịu trách nhiệm chuẩn bị phòng chống mưa bão tại đơn vị mình. Ngay từ sáng ngày 20/10/2022 phải chỉ đạo và triển khai thực hiện việc kiểm tra toàn bộ cơ sở vật chất, đóng kín cửa sổ, có phương án che đậy máy móc, thiết bị ở mức độ cao nhất. Các cơ sở vật chất cần thiết như thép buộc, kìm, nilong... liên hệ với Phòng Quản trị và Đầu tư để được cung cấp. Tất cả các công việc phòng chống mưa bão phải hoàn thành trước 10 giờ 00', ngày 20/10/2022. Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt, cháy nổ sẽ đi kiểm tra trong toàn khu vực trường.

2. Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt, cháy nổ có trách nhiệm triển khai công tác chuẩn bị và kiểm tra công tác chuẩn bị của tất cả các đơn vị trong khu vực đã được phân công. Trước, trong và sau mưa bão, Ban phải có phương án trực để phòng chống và khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra.

3. Ban Quản lý Cơ sở II, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Viện Nông nghiệp và Tài nguyên thường trực các hoạt động phòng chống mưa bão tại Cơ sở II; quán triệt, huy động cán bộ và sinh viên đang học tập, sinh hoạt tại Cơ sở II sẵn sàng tham gia ứng cứu và khắc phục hậu quả mưa bão theo điều động của Nhà trường. Viện Nông nghiệp và Tài nguyên chủ trì công tác phòng chống và khắc phục hậu quả do mưa bão tại các trại thực hành - thực nghiệm của Nhà trường.

4. Phòng Quản trị và Đầu tư cử cán bộ trực điện, nước, quản lý tài sản, tuyệt đối không để xảy ra mất an toàn về người và tài sản; kiểm tra hệ thống nhà cửa, cây cối, có kế hoạch chằng chống và xử lý kịp thời các khả năng có thể gây mất an toàn, những sự cố có thể xảy ra; có trách nhiệm thông báo và phối hợp với các nhà thầu để có phương án phòng chống mưa bão, đảm bảo an toàn cơ sở vật chất, tài sản của Nhà trường tại các công trình xây dựng.

5. Trung tâm Nội trú thông báo và tổ chức cho cán bộ, học sinh, sinh viên trong khu nội trú tại Cơ sở I, Khu nhà ở sinh viên tại phường Hưng Bình phòng chống mưa bão; phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt, cháy nổ Nhà trường để ứng phó với mọi tình huống xảy ra.

6.  Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp phối hợp với Công ty vệ sĩ tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tài sản trước, trong và sau mưa bão xảy ra.

7. Trạm Y tế chuẩn bị đầy đủ thuốc men, dụng cụ, phương tiện để cấp cứu và cử cán bộ trực 24/24 giờ.

8. Phòng Hành chính Tổng hợp cử lãnh đạo và chuyên viên trực đảm bảo thông tin liên lạc giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Phòng chống bão lụt tỉnh Nghệ An với Nhà trường; giữa Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt, cháy nổ Nhà trường với các đơn vị.

9. Phòng Kế hoạch - Tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan để cung cấp đầy đủ, kịp thời nguồn lực, cơ sở vật chất phòng chống mưa bão sau khi đã được Ban Giám hiệu Nhà trường phê duyệt.

Trên đây là các công việc khẩn trương thực hiện để chủ động phòng chống cơn bão số 6. Nhà trường yêu cầu thủ trưởng các đơn vị nghiêm túc thực hiện. Mọi vướng mắc, phản ánh về Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt, cháy nổ Nhà trường (Phòng Quản trị và Đầu tư, tầng 3, Nhà Điều hành) để giải quyết./.