Bộ phận Truyền thông trân trọng giới thiệu bài viết và mong rằng sẽ tiếp tục được đón nhận nhiều sáng tác về Trường của các thế hệ cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên, học viên.

 

MỘT NHÀ GIÁO DÒNG HỌ PHAN HUY...

 

Năm 1979, khi còn là công nhân lái máy cày trên đồng ruộng Yên Thành, tình cờ tôi gặp Nhà giáo Phan Huy Xý. Thầy cầm tay tôi rất chặt và cảm động nói:

- Xin chào anh công nhân, bỏ bút lâu ngày rồi, có quên hết chữ nghĩa không đó?

- Dạ! Cháu vẫn còn nhớ nhiều chú ạ!

- Thế thì thử nạp hồ sơ thi vào đại học xem nào?

Vâng lời chú (Thầy là con của em trai bà nội tôi), mùa hè năm ấy tôi đi thi và đậu điểm cao vào khóa 20, Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Vinh, sau gần 10 năm đi dân công hỏa tuyến ở Thượng Lào và đi làm công nhân lái máy cày. Cuộc đời tôi từ đó, bước sang một trang mới, tôi nhờ cậy vợ tôi nuôi mẹ già và ba đứa con nhỏ, để lên đường làm "cậu sinh viên" khi đã 29 tuổi.

Trường Đại học Sư phạm Vinh (nay là Trường Đại học Vinh) ngày ấy thường gọi Thầy Phan Huy Xý bằng một cái tên thân mật là "Ma Ka Ren Xý" (Ma Ka Ren Kô - là một nhà giáo dục nổi tiếng người Nga). Thầy dạy chúng tôi cách đi đứng, nói năng, ăn mặc, cách viết bảng, cách giảng bài, cách bố trí trường lớp... Nói chung môn Thầy dạy được tóm gọn trong ba chữ "giáo dục học", tức là dạy cách làm thầy. Với vốn kiến thức uyên thâm, rất giỏi tiếng Pháp, môn học khô khan của Thầy đã trở nên sinh động và cuốn hút sinh viên đến lạ kỳ. Chúng tôi vẫn nhớ như in hình ảnh người thầy giáo say sưa, nghiêm cẩn luôn luôn đứng sẵn trước phòng học khoảng hai phút trước khi vào tiết học chính thức.

Thầy Phan Huy Xý, vốn là học sinh Trường Quốc học Vinh (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng bây giờ) năm 1941, 1942, 1943, cùng lớp Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Cố Trưởng ty giáo dục Nghệ An Nguyễn Tài Đại... Sau cách mạng tháng tám, Thầy là một trong những giáo viên đầu tiên của Trường cấp 2 dân lập Lê Doãn Nhã, rồi làm Hiệu trường trường đó nhiều năm.

Năm 1959, Thầy là lớp sinh viên khóa đầu tiên của Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Vinh. Thầy học rất giỏi và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy gần 30 năm. Khi đã gần nghỉ hưu, Thầy được cử đi làm chuyên gia giáo dục ở Ăng-gô-la hơn sáu năm trời. Từ những ngày chiến tranh ác liệt, cùng Trường Đại học Sư phạm Vinh đi sơ tán nhiều nơi trong hai tỉnh Thanh Nghệ, cho đến hôm nay khi đã 95 tuổi, Thầy Phan Huy Xý vẫn là một hội viên tích cực của Hội Cựu giáo chức Trường Đại học Vinh và Hội Cựu giáo chức phường Trường Thi, thành phố Vinh. Thầy vẫn minh mẫn vẫn say sưa đọc sách báo, làm thơ... Có nhiều bài thơ của Thầy được giải các cuộc thi thơ bằng tiếng Pháp, tiếng Nga... ở nước ngoài. Trong tỉnh, Thầy tham gia tích cực Hội thơ Đường ở Câu lạc bộ thơ Hồng Lam hay tập thơ "Tâm tình nhà giáo" của Hội cựu giáo chức thành phố Vinh.

Thầy giáo Phan Huy Xý đọc thơ đầu xuân năm 2018

Thầy Phan Huy Xý kính yêu đã để lại trong lòng các thế hệ sinh viên chúng tôi những nét đẹp về nhân cách đạo đức, về trí tuệ và đặc biệt nhất là ý thức tự học, tự rèn luyện...

Thầy rất giỏi tiếng Pháp, nhưng ở đất nước Ăng-gô-la, người dân nói tiếng Bồ Đào Nha (gần giống tiếng Pháp). Thầy đã miệt mài học thêm tiếng Bồ Đào Nha và trở thành một Giáo sư giỏi của đất nước bạn, hoặc khi đã gần 60 tuổi, Thầy đã tự học tiếng Nga, biết làm thơ bằng tiếng Nga, có bài gửi đi dự thi được giải cao...

Thầy có người con trai đầu là Liệt sĩ Phan Huy Trí. Anh tốt nghiệp đại học, ra trường dạy Văn ở Nam Định được 3 năm, rồi xung phong vào bộ đội và hy sinh anh dũng ở chiến trường Thừa Thiên năm 1974. Sau giải phóng, Thầy đã tự mình vào Nam tìm mộ con trai, và cũng tự mình cất bốc thi hài con về an táng tại quê nhà...!

Các con trai, gái của Thầy đều nối nghiệp Thầy, đều trở thành những nhà giáo giỏi có tiếng tăm trong nước. Đó là PGS.TS. Phan Huy Dũng - một nhà giáo có kiến thức uyên thâm nhưng rất khiêm tốn, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng điều động đi ra đề thi đại học và viết sách giáo khoa cùng "Hướng dẫn giảng dạy môn Ngữ Văn" cấp Trung học phổ thông từ rất nhiều năm nay. Con trai thứ ba là PGS.TS. Phan Huy Hồng, cũng là một nhà giáo giỏi, có uy tín của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh,... Rồi TS. Phan Huy Chính hiện đang công tác tại Viện KHXH&NV, Trường Đại học Vinh.

Sẽ rất nhiều thiếu sót nếu bài viết này không nhắc đến những người cháu gọi Thầy là chú ruột đã noi gương chú học hành, phấn đấu trở thành những Nhà giáo giỏi có tiếng tăm trong ngành giáo dục tỉnh ta: Đó là thầy giáo Phan Huy Huyền - một chiến sĩ Vệ quốc đoàn trong kháng chiến chống Pháp, năm nay đã 88 tuổi. Thầy Huyền là một trong những nhà giáo dạy lớp chuyên Văn đầu tiên của tỉnh Nghệ An góp phần đào tạo nên nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà báo nổi tiếng cho nước nhà như: Nguyễn Sỹ Dũng, Hồ Quang Lợi, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thế Kỷ... Có hai nhà giáo nổi tiếng dạy chuyên Toán và chuyên Văn đó là Nhà giáo ưu tú Phan Huy Tuấn và em trai là Nhà giáo ưu tú Phan Huy Tỉnh. Hai Thầy giáo này đã có công lớn trong việc đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu trong mấy chục năm qua.

Thật khó kể hết về một đại gia đình nhà giáo bao gồm cả cha, con, ông, cháu nội ngoại của Thầy, gồm khoảng 50 người đã và đang công tác trong ngành giáo dục. Chỉ biết rằng đây là một tấm gương sáng của Nghệ An đất học, mà chúng ta cần nêu gương. Bài viết này như một bông hoa nhỏ kính tặng Thầy giáo Phan Huy Xý kính yêu...!

Người đã góp phần hướng nghiệp đời tôi!

Trần Vũ Bảo