PGS.NGND. Lê Hoài Nam

PGS.NGND. Lê Hoài Nam sinh ngày 30/09/1930, quê ở xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, nguyên Đại biểu Quốc Hội khóa 7, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Vinh (nay là Trường Đại học Vinh), nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Quy Nhơn (nay là Trường Đại học Quy Nhơn).

PGS.NGND. Lê Hoài Nam là 1 trong 17 cán bộ giảng dạy đầu tiên được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử vào công tác tại Trường Đại học Sư phạm Vinh khi Trường được thành lập năm 1959. Buổi đầu thành lập mặc dù còn nhiều gian khó, nhưng thế hệ cán bộ, giảng viên đầu tiên đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của Nhà trường. Thầy đã giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐHSP Vinh từ năm 1974 đến năm 1980.


Thầy Lê Hoài Nam (thứ 6 từ trái sang) trong Lễ khai giảng đầu tiên của Phân hiệu ĐHSP Vinh năm 1959 (nay là Trường ĐH Vinh)


Một cuộc họp của Ban Giám hiệu Nhà trường trong giai đoạn 1974 - 1980 (từ trái sang: Hiệu trưởng Lê Hoài Nam, các Phó Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Thi, Nguyễn Đang)

Do tuổi cao, sức yếu, PGS.NGND. Lê Hoài Nam đã qua đời tại nhà riêng ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh vào lúc 5 giờ 55 phút sáng 5/1/2019, hưởng thọ 90 tuổi.

Xin được thành kính vĩnh biệt PGS.NGND. Lê Hoài Nam - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Vinh, một nhà giáo đáng kính của rất nhiều thế hệ học sinh, sinh viên.

Tôi trở thành sinh viên khoa Văn khoá 12 của trường ĐHSP Vinh từ tháng 9 năm 1971. Khi đó văn phòng trường, gọi là Hiệu bộ sơ tán và đóng ở xã Quỳnh Văn, còn khoa Văn thì ở xã Quỳnh Thạch thuộc huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Do hoàn cảnh chiến tranh, sinh viên khoa nào chỉ biết khoa đó, không biết hiệu trưởng, hiệu phó của trường là như thế nào, dù những cái tên của các thầy hiệu trưởng Nguyễn Thúc Hào, hiệu phó Lê Hoài Nam, sinh viên chúng tôi vẫn nghe các thầy trong ban chủ nhiệm khoa nhắc tới thường xuyên và có trong chữ kí giấy gọi nhập trường của mình.

Mãi đến ngày 10 tháng 9 năm 1972, cái ngày mà tôi không thể nào quên trong cuộc đời mình vì đó là ngày tôi rời trường Đại học Sư phạm Vinh lên đường nhập ngũ để sau đó đi B vào miền Nam làm anh lính giải phóng, tôi mới được thấy mặt hai vị giáo sư đáng kính của trường mình. Đó là buổi chiều tà trên một khu đất trống ở xã Quỳnh Văn, 180 cán bộ giảng dạy và sinh viên thuộc đủ các khoa tập hợp nghiêm trang trong một buổi lễ tiễn đưa giản dị để lên đường nhập ngũ. Sau bài phát biểu rất ngắn, thầy hiệu trưởng Nguyễn Thúc Hào cùng thầy hiệu phó bí thư Đảng uỷ Lê Hoài Nam đi bắt tay khắp lượt tiễn đưa những học trò của mình lên đường ra trận. Ấn tượng trong tôi là cả hai người thầy có cương vị cao nhất trường đều có dáng hình thấp, đi đứng chậm rãi và giọng nói  rất nhỏ nhẹ. Tôi lúc đó vừa tròn 18 tuổi, mới bắt đầu những ngày đầu tiên của sinh viên năm thứ hai, người tròn tròn như củ khoai lang nên được các bạn cho đứng ở đầu hàng quân, vì thế mà được cả hai thầy bắt tay và dặn dò. Đến bây giờ, sau 37 năm đã trôi qua, tôi vẫn nhớ mãi lời thầy Nguyễn Thúc Hào: "Các con đi đánh giặc cho nhanh rồi lại về với thầy nhé!".  Nói thực là lúc đó tôi đã thấy cay cay nơi sống mũi. Giữa lúc chiến tranh, bom rơi đạn nổ đầy trời, rời trường đại học đi bộ đội mà cha mẹ ở quê cũng không hề hay biết, tôi thấy các thầy đúng là hình ảnh của những người cha đang tiễn con ra trận. Và hình ảnh đó đã mãi theo tôi trong suốt dọc cuộc hành quân vượt Trường Sơn vào Nam đánh giặc.

Đầu năm 1976, khi đất nước đã thống nhất, sau khi tham gia giải phóng Sài Gòn, tiếp quản và làm công tác quân quản trong đội hình của Sư đoàn 341, Quân đoàn 4 tại thành phố này, tôi được xuất ngũ trở về trường cũ và vào học tiếp ở khoá 16. Lúc này thầy Nguyễn Thúc Hào đã chuyển ra công tác ở Hà Nội, thầy Lê Hoài Nam trở thành hiệu trưởng nhà trường. Tôi lại được tiếp tục những ngày đèn sách của đời sinh viên. Năm 1979, tốt nghiệp, tôi được phân công về giảng dạy ở khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Quy Nhơn. Và sau đó không lâu thì thầy Lê Hoài Nam cũng rời trường Vinh chuyển về làm hiệu trưởng trường Quy Nhơn. Vậy là tôi lại được ở dưới trướng thầy. Có chuyện vui vui mà tôi vẫn nhớ mãi là do công tác ở trường Vinh quá lâu nên dù đã công tác ở trường Quy Nhơn, mỗi khi lên phát biểu trước cán bộ và sinh viên hoặc trong các cuộc họp cán bộ, thỉnh thoàng thầy vẫn nói nhầm "Trường ĐHSP Quy Nhơn chúng ta" thành "Trường ĐHSP Vinh chúng ta". Những lúc như vậy, mọi người ngồi dưới lại cười lên thú vị. Cũng may mà lúc đó, tại trường ĐHSP Quy Nhơn, số cán bộ và sinh viên tốt nghiệp của trường Vinh được chuyển về công tác tại ĐHSP Quy Nhơn khá đông nên mọi người đều thông cảm cho thói quen của thầy hiệu trưởng.

Là Phó Giáo sư Văn học Việt Nam, nên dù là hiệu trưởng, thầy Lê Hoài Nam vẫn có giờ giảng cho sinh viên khoa Ngữ văn. Những buổi được đi dự giờ giảng về Chinh phụ ngâm, về Truyện Kiều của thầy, tôi lại được nghe cách giảng bài nhỏ nhẹ mà sâu lắng, khiến sinh viên không thể không chú ý. Mỗi dịp như thế tôi đã học được rất nhiều từ thầy về phương pháp giảng dạy.

Là một nhà giáo hầu như sinh ra chỉ để làm công tác quản lí nên thầy Lê Hoài Nam là một người rất nghiêm trang và mực thước. Tôi có cảm nhận như ở con người thầy không có cử chỉ thừa, không có lời nói thừa, khác xa với lũ giảng viên trẻ chúng tôi đôi lúc nói năng văng mạng, thậm chí làm cả những việc thiếu suy nghĩ, có khi còn quên mất mình đang là một người thầy.

Tuy nhiên, có dịp tiếp xúc nhiều, tôi thấy thầy Lê Hoài Nam ẩn sau sự nghiêm trang và mực thước còn là một người rất hóm hỉnh và vui tính. Dịp trường Đại học Quy Nhơn kỉ niệm 30 năm ngày thành lập vào năm 2008, thầy Lê Hoài Nam lúc này đã nghỉ hưu tại TP. Hồ Chí Minh, khi về dự lễ kỉ niệm và lên phát biểu với khoa Ngữ văn, thầy đã kết thúc bằng một bài thơ do thầy sáng tác. Trước khi đọc thơ thầy nói: "Tôi thường không hay làm thơ, mà đã làm thơ thì thường không hay. Nhưng hôm nay, kỉ niệm 30 năm của khoa Văn ta vui quá nên tôi đã làm thơ và xin phép đọc, có chỗ nào không hay mong các anh chị bỏ qua cho".

Nghe nhà giáo già nói như trên, tất cả hội trường cùng cười ồ lên vui vẻ về cách chơi chữ khéo léo và sự khiêm tốn, giản dị của ông.

Hà Tùng Sơn (nguyên SV khoá 12 và 16, khoa Ngữ văn, ĐHSP Vinh)