Tham dự chương trình là cán bộ, giảng viên toàn trường và rất đông đảo giảng viên, sinh viên, học viên khoa Kinh tế.

PGS.TS. Trần Đình Thiên sinh năm 1958 tại Nghệ An. Ông có bằng Cử nhân khoa Kinh tế học Chính trị, Đại học Tổng hợp Hà Nội (1979); Tiến sĩ Kinh tế học Chính trị tại Viện Kinh tế học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (1991); Phó Giáo sư (2002). Hiện ông đang là Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam.

Tại buổi nói chuyện, PGS.TS. Trần Đình Thiên đã tập trung về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2017, cơ hội và thách thức năm 2018 cũng như các năm tiếp theo.


PGS.TS. Trần Đình Thiên tại buổi nói chuyện

Năm 2017 là năm kinh tế Việt Nam đã tạo dựng được những cơ hội, điều kiện tạo đà cho sự xoay chuyển về mặt kinh tế trong năm 2018. Nhưng để thực hiện việc xoay chuyển, cần chú trọng đến những vấn đề liên quan đến chất lượng của nền kinh tế.

Năm 2017 cũng có điểm rất đặc biệt cần lưu ý đó là tiền có nhiều nhưng giải ngân vốn đầu tư nhà nước rất khó khăn do vướng mắc về cơ chế, thể chế. Điều này khiến nền kinh tế đứng trước thử thách. Đầu tư công, với sự tham gia quá nhiều của khối tư nhân (được thể hiện qua các dự án BOT) cũng dẫn đến những phí tổn mới mà người dân, xã hội phải gánh, phải chi trả. Trong khi đầu tư công nếu được thúc đẩy đúng mức sẽ giúp giảm chi phí xã hội rất nhiều.

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, trong năm 2018, Việt Nam cần thực hiện 5 đầu việc lớn để xoay chuyển kinh tế. Trong đó chấm dứt thu hút đầu tư FDI một cách đại trà và xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp Việt là việc cần sớm phải làm.

Giải quyết những vấn đề “kinh tế ngầm”, kinh tế không chính thức liên quan đến những vấn đề về cơ chế chính sách cũng là đầu việc cần đặt ra trong năm 2018 và các năm sau đó. Chênh lệch cán cân xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng là việc cần quan tâm giải quyết trong năm nay.

Cần tháo gỡ những trói buộc với doanh nghiệp như giấy phép con, điều kiện kinh doanh, giảm thanh kiểm tra, giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Chi phí logistic của ta hiện chiếm khoảng 20% GDP, trong đó chi phí giao thông khoảng 16%. Điều này cho thấy gánh nặng phí BOT với doanh ngiệp đang rất lớn.

Việc thúc đẩy khởi nghiệp, đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp 4.0 cũng là những đầu việc sẽ góp phần tạo sự xoay chuyển trong năm 2018.

Bên cạnh đó, Chính phủ mạnh tay xử lý tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” thông qua liên tục gia tăng áp lực đẩy mạnh cải cách, sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh hơn.

Năm 2018 cần có cách nhìn khác về thu hút FDI, không phải là bác bỏ loại bỏ các doanh nghiệp FDI, mà là vấn đề cần thay đổi chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài. Kinh tế Việt Nam không thể dựa mãi vào thu hút đầu tư FDI ồ ạt, đại trà. Không để tình trạng ai vào cũng chấp nhận. Cần chấm dứt tình trạng thu hút FDI với ưu đãi kéo dài hàng chục năm; thu hút để lập thành tích, để lấp đầy các khu công nghiệp bằng mọi giá.

Đã đến lúc đặt ra chiến lược thu hút vốn đầu tư theo hướng: Kinh tế Việt Nam phát triển thông qua chuyển sang "đi săn" các nhà đầu tư có năng lực, đẳng cấp. Như vậy sẽ không còn cảnh dễ dãi được mãi trong thu hút FDI như trước đây.

Cần đặt ra những điều kiện về trình độ công nghệ, chuyển giao công nghệ cao. Từ việc xác định rõ mục tiêu đó, sẽ tiến tới đặt ra những vấn đề liên quan đến ai sẽ là người giúp thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế chất lượng cao.

Cũng tại buổi nói chuyện, PGS.TS. Trần Đình Thiên bày tỏ quan điểm ủng hộ Trường Đại học Vinh trong vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung bộ. PGS.TS. Trần Đình Thiên khẳng định rằng trong thời gian tới, cá nhân ông sẽ tích cực hỗ trợ, giúp đỡ Trường Đại học Vinh để Nhà trường phát triển.


PGS.TS. Nguyễn Huy Bằng - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng tặng hoa cảm ơn PGS.TS. Trần Đình Thiên


PGS.TS. Trần Đình Thiên chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Vinh

Bài và ảnh: HN