Tham dự Hội nghị có các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Hội đồng trường; Hội đồng khoa học và đào tạo trường; Trưởng, Phó các khoa, phòng, trung tâm, trường trực thuộc; Trưởng, Phó bộ môn; các giáo sư, phó giáo sư; Ban Chấp hành Công đoàn Trường; Chủ tịch các Công đoàn bộ phận; Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên, Ban Thư ký Hội Sinh viên; Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh; Trợ lý đào tạo, cố vấn học tập, trợ lý QLSV các khoa đào tạo. PGS.TS. Thái Văn Thành - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Nguyễn Hoa Du - Đảng uỷ viên, Chủ tịch Hội đồng Trường và TS. Nguyễn Xuân Bình - Trưởng phòng Đào tạo đồng chủ trì Hội nghị.

 

PGS.TS. Thái Văn Thành - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội nghị

Sau lời phát biểu khai mạc của PGS.TS. Thái Văn Thành - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Hội nghị đã nghe 5 tham luận: "Công tác tuyển sinh 2017" của TS. Nguyễn Xuân Bình - Trưởng phòng Đào tạo, "Thực trạng sinh viên thôi học, bỏ học giai đoạn 2013 - 2016; nguyên nhân và giải pháp" của ThS. Phạm Công Lý - Trưởng phòng CTCT-HSSV, "Khảo sát ý kiến người học và giảng viên về công tác tuyển sinh, quản lý và tổ chức đào tạo của Nhà trường trong giai đoạn hiện nay" của TS. Trần Đình Quang - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm ĐBCL, "Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư vấn, quảng bá tuyển sinh tại Trường Đại học Vinh" của ThS. Lê Công Đức - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm DV, HTSV&QHDN và "Truyền thông, quảng bá và chiến lược xây dựng thương hiệu - vận dụng vào công tác quảng bá tuyển sinh của Nhà trường" của TS. Nguyễn Thị Thu Cúc - Phó Trưởng khoa Kinh tế trình bày.

 

TS. Nguyễn Xuân Bình - Trưởng phòng Đào tạo trình bày tham luận

 

ThS. Lê Công Đức - PGĐ TT DV, Hỗ trợ SV và QHDN trình bày tham luận

 

ThS. Phạm Công Lý - Trưởng phòng CTCT-HSSV trình bày tham luận

Các đại biểu đã thảo luận về các báo cáo phân tích đánh giá và tham luận của các đơn vị, ý kiến phát biểu của các cá nhân, tập thể về công tác tuyển sinh năm 2016 của Nhà trường, nhằm làm rõ những yếu tố cơ bản tác động đến công tác tuyển sinh, bàn về những giải pháp khả thi có thể áp dụng trong kỳ tuyển sinh trong những năm tiếp theo phù hợp với tinh thần chỉ đạo và những quy định về quản lý Nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sau khi lắng nghe các đại biểu thảo luận về những thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyển sinh cũng như phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp cải thiện tình hình sinh viên dựng học sớm, tỉ lệ học ngành 2 thấp, Hội nghị kết luận:

1. Hội nghị đã thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao đối với vấn đề nâng cao chất lượng tuyển sinh và công tác tổ chức, quản lý quá trình đào tạo của Nhà trường. Hội nghị đã cùng chia sẻ các thông tin về tình hình tuyển sinh, đào tạo và quản lý sinh viên, thảo luận về những nguyên nhân và giải pháp đề xuất qua các tham luận được trình bày tại Hội nghị. Hội nghị nhất trí cao với quan điểm nhận thức: công tác truyền thông, tư vấn và quảng bá tuyển sinh, và xây dựng văn hóa chất lượng là trách nhiệm của từng cán bộ, giảng viên, sinh viên, từng bộ phận, đơn vị của Nhà trường.

 

PGS.TS. Nguyễn Hoa Du - Chủ tịch Hội đồng trường kết luận Hội nghị

2. Về công tác tư vấn - truyền thông quảng bá tuyển sinh

2.1. Hội nghị đánh giá một số điểm yếu:

- Công tác truyền thông quảng bá tuyển sinh đã có nhiều cố gắng nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn, tính chuyên nghiệp chưa cao, hình thức tổ chức còn nghèo nàn.

- Một số ngành đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng mong đợi của sinh viên, cán bộ, giảng viên cần tâm huyết hơn nữa với nghề, với Khoa, với Trường.

- Chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp xã hội chưa cao.

2.2. Hội nghị đề xuất:

- Thống nhất và nâng cao nhận thức trong toàn Trường về công tác truyền thông, tư vấn, quảng bá tuyển sinh là trách nhiệm của từng cán bộ, giảng viên, sinh viên, từng bộ phận, đơn vị của Nhà trường, truyền thông và quảng bá bằng chất lượng đào tạo và phục vụ người học.

- Xém xét thành lập bộ phận chuyên trách công tác tư vấn, truyền thông, quảng bá tuyển sinh nhằm tăng cường hiệu quả bằng tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa. Xây dựng chiến lược và kế hoạch truyền thông quảng bá, đa dạng hóa các hình thức truyền thông, quảng bá tuyển sinh và xây dựng thương hiệu Nhà trường.

- Tăng cường truyền thông về những ưu điểm, lợi ích đối với người học của đào tạo theo nhóm ngành, về những thế mạnh và năng lực đào tạo của Nhà trường.

- Xây dựng phương thức tuyển sinh hợp lý, chú ý đảm bảo lợi ích của thí sinh dự tuyển (ngành học mong muốn, khả năng chuyển đổi ngành học).

3. Về công tác quản lý, tổ chức đào tạo

3.1. Hội nghị đánh giá một số hạn chế:

- Hệ thống quản lý tổ chức đào tạo ở một số khâu chưa đáp ứng mong đợi của người học, tính chuyên nghiệp chưa cao.

- Việc đăng ký học, học ngành 2, văn bằng 2 còn khó khăn.

- Chương trình đào tạo và công tác giảng dạy còn một số nhược điểm: tính ứng dụng và kỹ năng nghề nghiệp chưa cao, cần chú trọng hơn các kiến thức và kỹ năng bổ trợ như ngoại ngữ, tin học, kỹ năng hợp tác làm việc nhóm, … tăng cường phương pháp giảng dạy hiệu quả.

- Công tác hỗ trợ người học chưa đáp ứng yêu cầu trong đào tạo, hướng nghiệp.

3.2. Hội nghị đề xuất một số giải pháp:

- Rà soát tổng thể công tác quản lý, tổ chức điều hành đào tạo, nâng cao tính chuyên nghiệp của cả hệ thống, xây dựng kế hoạch đào tạo cần chú trọng tạo điều kiện học văn bằng 2 và ngành 2.

- Cần làm tốt hơn công tác tư vấn, hỗ trợ và chăm sóc lợi ích chính đáng của người học, đề nghị bố trí giảng viên làm công tác tư vấn học tập cho sinh viên và thời gian làm công tác tư vấn được tính giờ (giao nhiệm vụ tư vấn sinh viên cho từng giảng viên hoặc cử giảng viên chủ nhiệm lớp).

- Phát triển các chương trình đào tạo có chất lượng, có tính ứng dụng thực tiễn cao đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp. Xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình liên kết đào tạo quốc tế để thu hút nguồn tuyển sinh.

- Nhà trường cần đặt hàng các nhà khoa học trong Trường thực hiện các đề tài khoa học liên quan đến vấn đề cấp thiết của Nhà trường. Chẳng hạn: khảo sát điều tra nhu câu xã hội, doanh nghiệp, nhu cầu của SV trong đào tạo, xây dựng chiến lược truyền thông quảng bá thương hiệu, xử lý thống kê các số liệu về các mặt hoạt động của Nhà trường để có đánh giá thực sự khoa học, khách quan phục vụ công tác lãnh đạo, xây dựng chính sách, quản lý điều hành Nhà trường hiệu quả.

- Bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy của giảng viên thường xuyên và hiệu quả hơn để đáp ứng yêu cầu đào tạo.

Tin và ảnh: Minh Giang