Đây là 2 chương trình đầu tiên của Trường Đại học Vinh đánh giá ngoài theo Bộ tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chung của Mạng lưới Đảm bảo chất lượng của hệ thống các trường đại học ASEAN được thực hiện online dưới sự điều phối của AUN-QA và Trung tâm Đảm bảo chất lượng Trường Đại học Vinh trong các ngày từ 19/4 đến 23/4/2021.

AUN (ASEAN University Network) là mạng lưới các trường đại học hàng đầu của khu vực Đông Nam Á (ĐNA) được thành lập vào tháng 11/1995 bởi sáng kiến của Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước ĐNA, với các thành viên ban đầu do Bộ trưởng Giáo dục các nước đề cử.

Kể từ khi thành lập, AUN đã xem chất lượng đào tạo là một mục tiêu quan trọng nhằm khẳng định với quốc tế về sự phát triển của giáo dục đại học Đông Nam Á, tạo ra sự liên thông và công nhận chất lượng đào tạo lẫn nhau giữa các trường Đại học trong và ngoài mạng lưới AUN. Để thực hiện mục tiêu này, AUN đã đưa ra sáng kiến đánh giá chất lượng giáo dục đại học của các trường trong khu vực Đông Nam Á theo Bộ tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chung AUN-QA được ban hành vào năm 2004.

Bộ tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chung của Mạng lưới Đảm bảo chất lượng của hệ thống các trường đại học ASEAN (ASEAN University Network - Quality Assurance, AUN-QA) là bộ tiêu chuẩn với các quy tắc chất lượng khắt khe, có tiêu chí cụ thể, rõ ràng, tập trung đánh giá những điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo của toàn bộ chương trình đào tạo.

Bộ tiêu chuẩn đánh giá toàn diện chương trình đào tạo từ nhiều khía cạnh như chuẩn đầu ra, khung chương trình, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, công tác đảm bảo chất lượng, kết nối giữa nhà trường, sinh viên, và doanh nghiệp…

Bộ tiêu chuẩn của AUN-QA (Phiên bản 3.0) có 11 tiêu chuẩn với 50 tiêu chí.

Tiêu chuẩn 1 - Kết quả học tập mong đợi (chuẩn đầu ra): 3 tiêu chí.

Tiêu chuẩn 2 - Mô tả chương trình đào tạo: 3 tiêu chí.

Tiêu chuẩn 3 - Cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo: 3 tiêu chí.

Tiêu chuẩn 4 - Phương thức dạy và học: 3 tiêu chí.

Tiêu chuẩn 5 - Kiểm tra đánh giá sinh viên: 5 tiêu chí.

Tiêu chuẩn 6 - Chất lượng đội ngũ giảng viên: 7 tiêu chí.

Tiêu chuẩn 7 - Chất lượng đội ngũ cán bộ hỗ trợ: 5 tiêu chí.

Tiêu chuẩn 8 - Chất lượng sinh viên và các hoạt động hỗ trợ sinh viên: 5 tiêu chí.

Tiêu chuẩn 9 - Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị: 5 tiêu chí.

Tiêu chuẩn 10 - Nâng cao chất lượng: 6 tiêu chí.

Tiêu chuẩn 11 - Đầu ra: 5 tiêu chí.

Mỗi tiêu chí được đánh giá theo 7 mức:

Mức 1: Hoàn toàn không đầy đủ, cần cải tiến ngay

Mức 2: Không đầy đủ và cần cải tiến

Mức 3: Không đầy đủ nhưng chỉ cần cải tiến nhỏ

Mức 4: Đầy đủ như mong đợi (đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn AUN-QA)

Mức 5: Tốt hơn mong đợi (vượt yêu cầu của tiêu chuẩn AUN-QA)

Mức 6: Hình mẫu về chất lượng

Mức 7: Xuất sắc (hàng đầu thế giới, đẳng cấp quốc tế).

Mỗi tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn đều có trọng số như nhau, điểm đánh giá của toàn bộ chương trình là điểm trung bình cộng của cả 11 tiêu chuẩn. Mức 4.0 là ngưỡng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của AUN-QA.

Việc lựa chọn kiểm định theo chuẩn AUN-QA nhằm giúp các trường biết chương trình đào tạo đã đạt đến cấp độ nào trên thang đánh giá của khu vực. Tiếp nữa, để phát hiện chương trình còn tồn tại, những gì cần khắc phục nhằm đảm bảo chương trình đạt chất lượng ngang tầm các chương trình cùng lĩnh vực trong khu vực ASEAN.