Những ranh giới bị phá vỡ

Các mối quan hệ trong xã hội cũng như trường học được thiết lập bởi những ranh giới nhất định. Điều đáng lo ngại trong những năm gần đây, ranh giới giữa thầy với thầy, thầy với trò, thầy với phụ huynh học sinh, trò với trò… đang dần bị phá vỡ bởi những hành vi lệch chuẩn, thậm chí là vi phạm pháp luật.

Đơn cử, việc cô N.T.T.H (giáo viên Trung tâm Mun Art - cơ sở dạy các môn nghệ thuật ngoại khóa đóng ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) bị phụ huynh tát giữa cuộc họp. Hay việc cô giáo Trường Tiểu học Bình Chánh (huyện Bến Lức, Long An) bị phụ huynh học sinh bắt quỳ trong thời gian dài.

Mới đây, tại Trường Mầm non Trump Kids (phường Cốc Lếu, TP Lào Cai), một học sinh bị bố của bạn học lao vào lớp giật tóc, tát, dọa nạt bắt bé phải khoanh tay xin lỗi trước sự chứng kiến của 3 cô giáo. Toàn bộ sự việc được camera lớp học ghi lại gây “cú sốc” lớn với nhiều cha mẹ học sinh…

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội, những trường hợp này chắc chắn không ai muốn tái diễn. Nghề dạy học cần phải được bảo vệ đặc biệt hơn vì đây là môi trường giáo dục, giáo viên là người dạy dỗ các em. Chính vì vậy, Nghị định lần này đã quy định rõ hơn việc xử lý vi phạm các hành vi xúc phạm nhà giáo, học sinh, sinh viên. Đây sẽ là “cây gậy” để chủ tịch UBND các cấp, thanh tra giáo dục áp dụng để xử phạt.

Cũng như vậy, thầy Nguyễn Xuân Trường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đội Bình (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cho rằng: Khi mỗi video, hình ảnh nào đó liên quan tới thầy cô, nhà trường được đưa lên mạng, chưa cần biết thực hư thế nào, giáo viên đã bị lên án, xúc phạm, chửi bới. Chán dọa nạt, miệt thị trên mạng, một số cha mẹ học sinh còn bắt thầy cô quỳ và thẳng tay đánh… Sự phá vỡ ranh giới giữa giáo viên và cha mẹ học sinh này cần phải được ngăn ngừa bằng các qui định luật pháp. Qui định càng cụ thể, rõ ràng, phân định rạch ròi theo các mối quan hệ trong nhà trường càng có sức nặng trong việc bảo vệ sự an toàn về thân thể và danh dự cho giáo viên, học sinh. Để người dạy và người học đều thấy được tôn trọng và an toàn trong ranh giới giữa các mối quan hệ.

Người dạy và người học đều phải được tôn trọng

TS Nguyễn Tùng Lâm khẳng định: Nhà giáo không chỉ được bảo đảm an toàn về thân thể mà quan trọng là giữ gìn danh dự, uy tín của nghề dạy học. Bảo vệ an toàn cho nhà giáo, người học là cần thiết, nhất là trong xu thế bùng nổ mạng xã hội như hiện nay.

“Cơ quan quản lý, pháp luật cần quan tâm ngăn chặn để những sự việc xúc phạm nhà giáo, học sinh không xảy ra. Còn khi đã xảy ra cần căn cứ theo luật, qui định để xử phạt, bảo đảm tính nghiêm minh, răn đe và giữ cho môi trường giáo dục được an toàn. Như vậy, giáo viên, học sinh mới yên tâm dạy và học… Qui định xử phạt hành chính rất rõ ràng để chính quyền và cơ quan chức năng xử lý. Về phía giáo viên, học sinh cần hiểu đúng về những hành vi xúc phạm, qui định về xử lý vi phạm để chủ động bảo vệ mình cũng như hạn chế hành vi xúc phạm thân thể và danh dự; nếu có xảy ra cần lưu giữ chứng cứ để phối hợp cùng cơ quan pháp luật có hình thức bảo vệ cho bản thân” - TS Nguyễn Tùng Lâm nhận định.

Theo thầy Lê Việt Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai), qui định xử phạt hành chính với hành vi xúc phạm nhà giáo, học sinh, sinh viên là căn cứ pháp lý để bảo vệ người dạy và người học. Từ đó, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, an tâm cho giáo viên, học sinh. Tuy nhiên, cần có hướng dẫn cụ thể để người dạy và người học hiểu thấu đáo những qui định liên quan đến hành vi, ứng xử xảy ra với mình trong quá trình dạy và học.

Với thầy Nguyễn Xuân Trường, xử phạt những hành vi xúc phạm nhà giáo, học sinh là điều cần thiết và phải làm để bảo đảm sự an toàn cho môi trường giáo dục. Song điều quan trọng hơn là xây dựng mối quan hệ tôn trọng nhau, không riêng gì quan hệ thầy - trò - cha mẹ học sinh mà là tất cả mối quan hệ trong xã hội, từ đó ngăn ngừa được những hành vi vi phạm không đáng có xảy ra trong môi trường học đường.

Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định rõ các mức phạt tiền về các hành vi vi phạm quy định với nhà giáo và người học. Theo đó, phạt tiền từ 5 -10 triệu đồng với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, HSSV trong cơ sở giáo dục nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm sự. Phạt tiền từ 10 -15 triệu đồng đối với hành vi vi phạm về chính sách với nhà giáo và người học.

Nguồn: GD&TĐ