Đối với sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia, đặc biệt là trong thời đại kinh tế tri thức, giáo dục - đào tạo có vai trò vô cùng to lớn. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2 (khóa VIII) đã xác định: "Coi giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu". Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XI) về "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" tiếp tục khẳng định "phải thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo"; trong đó, giải pháp quan trọng là "phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo". Chủ trương đổi mới đang đặt ra cho các trường sư phạm những yêu cầu to lớn và nhiệm vụ hết sức nặng nề, đó là: cung cấp một thế hệ giáo viên mới đủ năng lực giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới với kiến thức, phương pháp cập nhật, hiện đại, đồng thời thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên trong cả nước.


Trường Đại học Vinh là trường trọng điểm Quốc gia, đào tạo đa ngành

Tuy nhiệm vụ nặng nề như vậy, nhưng các trường sư phạm hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Trước những tác động của mặt trái cơ chế thị trường, các ngành sư phạm không còn thu hút được nhiều sinh viên giỏi vào học, điểm đầu vào của hầu hết các ngành sư phạm của các trường đều rất thấp; nhiều sinh viên đã vào học ngành sư phạm cũng không thực sự tâm huyết với nghề nghiệp, chưa ý thức được đúng đắn giá trị của nghề nghiệp sư phạm mà mình đang theo đuổi; nhiều sinh viên lựa chọn vào học sư phạm sau khi không đỗ các ngành khác, học sư phạm chỉ là giải pháp tạm thời. Điều này đã chi phối đến thái độ, ý thức và hành vi của họ trong quá trình học tập, rèn luyện nghề nghiệp; ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng đào tạo giáo viên.

1. Nguyên nhân của thực trạng

1.1. Sự tôn vinh của xã hội và chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo

Dân tộc ta vốn có truyền thống "Tôn sư trọng đạo", nghề giáo luôn được gọi là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Trong quá trình phát triển của nền giáo dục cách mạng Việt Nam, đã có nhiều giai đoạn, nghề giáo được cả xã hội trọng vọng, vào học sư phạm được xem như là vinh dự và tự hào của gia đình, dòng họ, làng xã. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách, chế độ đãi ngộ nhằm đảm bảo vị thế và thu nhập cho đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, trước nhiều biến động xã hội, mức độ đóng góp của ngành sư phạm trong đó có vai trò của đội ngũ giáo viên chưa được quan tâm và đánh giá đúng mức. Mặt khác, áp lực khách quan là xã hội luôn đòi hỏi họ phải tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, mọi sai lầm của giáo viên đều bị công luận lên án gay gắt. Rồi áp lực từ trong nội bộ ngành giáo dục khi giáo viên phải hoàn thành nhiều chỉ tiêu, thành tích..., trong khi đó chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, lương của giáo viên vẫn còn thấp so với mặt bằng thu nhập chung của xã hội, phần đông giáo viên khi được hỏi cho rằng thu nhập hiện tại không đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống, chính sách lương nhà giáo chưa tạo được động lực cống hiến của đội ngũ giáo viên. Vì vậy đã ảnh hưởng không ít đến việc chọn nghề, xu hướng hành nghề sư phạm của sinh viên.

1.2. Tình trạng khủng hoảng thừa, thiếu và chất lượng giáo viên

Khi lựa chọn nghề nghiệp, mỗi cá nhân bao giờ cũng tính đến nhu cầu của xã hội đối với nghề đó. Học nghề xong phải có việc làm là vấn đề trăn trở, suy nghĩ của tất cả người học. Thực trạng hiện nay cho thấy, việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ tiếp tục diễn ra, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện thừa khoảng 27.000 giáo viên bậc THCS nhưng lại thiếu hơn 45.000 giáo viên ở bậc học mầm non. Một số tỉnh có số lượng dôi dư giáo viên cấp THCS như: Thái Bình thừa 1.224 giáo viên, Phú Thọ thừa 1.191 giáo viên, Thanh Hóa thừa 2.188 giáo viên, Nghệ An thừa 1.742 giáo viên, Quảng Nam thừa 1.096 giáo viên. Các tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non như: Sơn La thiếu 1.040 giáo viên, Bắc Giang thiếu 1.921 giáo viên, Thái Bình thiếu 1.500 giáo viên, Thanh Hóa thiếu 1.405 giáo viên, Nghệ An thiếu 3.328 giáo viên, TP. Hồ Chí Minh thiếu 1.195 giáo viên. Đối với bậc tiểu học, một số tỉnh thiếu nhiều giáo viên như TP. Hà Nội thiếu khoảng 2.696 giáo viên, Sơn La thiếu 1.133 giáo viên, Gia Lai thiếu 1.196 giáo viên... Đó là những con số nói lên sự bất cập trong công tác đào tạo giáo viên hiện nay. Nếu như những năm cuối thế kỷ XX, hệ thống các trường đào tạo giáo viên được tổ chức khá cơ bản, trong đó các trường chủ lực đào tạo giáo viên đều do Bộ GD&ĐT quản lý, thì trong giai đoạn 2000 - 2017, hệ thống các trường có đào tạo giáo viên lên đến hơn 100 trường, trong đó một phần nhỏ thuộc quản lý của Bộ GD&ĐT, còn lại trực thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành, các Bộ, ngành khác và hệ thống trường ngoài công lập. Với công tác tổ chức các trường sư phạm như hiện nay, Bộ GD&ĐT khó mà quản lý được kể cả chỉ tiêu tuyển sinh và chất lượng đào tạo.

Thực trạng trên phần nào đã được phản ánh qua việc lựa chọn ngành học ở kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017. Điểm chuẩn của nhiều ngành sư phạm ở hầu hết các trường đại học, cao đẳng có đào tạo giáo viên đều ở mức điểm sàn, trừ hai ngành sư phạm giáo dục mầm non, sư phạm giáo dục tiểu học có điểm chuẩn cao hơn (ở Trường ĐH Vinh là 27 điểm với ngành Giáo dục mầm non, 22 điểm với ngành Giáo dục tiểu học; ở Trường ĐHSP Thái Nguyên là 20,5 điểm với ngành Giáo dục mầm non và 19,25 điểm với ngành Giáo dục tiểu học; ở Trường ĐHSP Huế là 18,5 điểm với ngành Giáo dục mầm non và 23 điểm với ngành Giáo dục tiểu học;…).

Từ thực tế cử nhân sư phạm thất nghiệp và những con số thống kê liên tục trong thời gian qua đã làm cho người học ít mặn mà vào ngành sư phạm hơn.


Những sinh viên tốt nghiệp cần có việc làm

1.3. Áp lực nghề nghiệp cao

Áp lực nghề nghiệp với đội ngũ giáo viên hiện nay là rất lớn, giáo viên đang chịu áp lực từ nhiều phía:

Từ học sinh, từ gia đình học sinh đòi hỏi phẩm chất, năng lực chuyên môn cao của các nhà giáo, đòi hỏi sự quan tâm hết mực đến học sinh từ các thầy cô giáo;

Từ lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo ngành, từ xã hội đòi hỏi họ phải tạo ra được các thế hệ học sinh giỏi, có đạo đức tốt, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, áp lực từ trong nội bộ ngành giáo dục khi giáo viên phải hoàn thành nhiều chỉ tiêu, thành tích...

1.4. Cơ hội thăng tiến trong nghề giáo viên hạn chế

Tìm kiếm cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp luôn là câu hỏi lớn, là kỳ vọng của mọi người khi lựa chọn và dấn thân theo một nghề nghiệp nào đó. Tuy nhiên, với giáo viên hiện nay, ngoài việc chịu nhiều áp lực từ nghề nghiệp, chế độ đãi ngộ chưa thực sự tạo động lực để đội ngũ giáo viên an tâm cống hiến, tâm huyết theo nghề, thì cơ hội thăng tiến cũng rất hạn chế, đặc biệt là đối với giáo viên phổ thông, giáo viên mầm non. Hiện nay, do việc chưa áp dụng và triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, ở nhiều địa phương, trường học, việc đánh giá giáo viên, bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục chưa đảm bảo khách quan, dân chủ.

Khách quan thừa nhận rằng, với đầu vào thấp như hiện nay thì công tác đào tạo của các trường sư phạm gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi các trường phải có giải pháp đồng bộ, điều chỉnh nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo phù hợp hướng tới đạt chuẩn đầu ra đã công bố. Chất lượng đào tạo giáo viên nói riêng cũng như chất lượng giáo dục đại học nói chung phải dựa vào chất lượng sản phẩm mà trường đó cung cấp cho xã hội. Chúng tôi đề nghị một số các giải pháp sau đây để đồng bộ, toàn diện công tác đào tạo giáo viên trong cả nước.

2. Giải pháp

2.1. Quy hoạch lại hệ thống các trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên và làm tốt công tác truyền thông

Cần thực hiện quy hoạch, sắp xếp lại và tạo ra hệ thống trường sư phạm, cơ sở đào tạo giáo viên có chất lượng với vai trò đầu tàu là các trường đại học sư phạm chủ chốt (8 trường đại học đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chủ chốt tham gia chương trình ETEP). Các trường sư phạm còn lại (nếu có) trở thành các trường vệ tinh thực hiện công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên dưới sự chủ trì và hỗ trợ chuyên môn từ các trường đại học sư phạm chủ chốt.

Cần làm tốt công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của nghề dạy học, giá trị, vị trí, vai trò của người giáo viên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tuyên truyền về những giá trị cao quý của nghề dạy học để từ đó tạo nên dư luận xã hội tốt, xu hướng lựa chọn nghề nghiệp, tuyển chọn được những học sinh có kết quả tốt trong học tập và rèn luyện vào học các trường sư phạm.

2.2. Dự báo nhu cầu nhân lực nhà giáo, xác định chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên từng cấp học, bậc học từ nay đến năm 2025 của từng địa phương và cả nước

Những năm qua, chúng ta đã xây dựng được đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ngày càng đông đảo, có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị tốt, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, việc đào tạo đội ngũ giáo viên không gắn với nhu cầu tuyển dụng về số lượng, cơ cấu cấp học, môn học cho giáo dục ở nhiều vùng miền khác nhau dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên ngay trong từng cơ sở giáo dục và ở hầu hết các địa phương. Bất cập trên đây có nguyên nhân chủ yếu là chúng ta chưa có dự báo, chưa quy hoạch nhân lực giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên để làm cơ sở cho việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, các cơ sở bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý, đổi mới chương trình đào tạo giáo viên, đổi mới chính sách cơ chế tuyển dụng, sử dụng đánh giá và đãi ngộ phù hợp. Vì thế, việc dự báo, quy hoạch nhân lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trong ngành giáo dục là một nhiệm vụ cấp thiết, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Làm tốt công tác dự báo và quy hoạch lực lượng giáo viên các cấp học giúp xác định khoa học và chính xác chỉ tiêu tuyển sinh các ngành sư phạm ở các bậc học, cấp học, phù hợp với nhu cầu của vùng miền, địa phương từ đó giải quyết được tình trạng sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm, khủng hoảng thừa thiếu cục bộ giáo viên các cấp học tại các địa phương.


Đảm bảo chuẩn đầu ra trong công tác đào tạo giáo viên các bậc học, cấp học

2.3. Thống nhất chuẩn nghề nghiệp, chuẩn đầu ra trong công tác đào tạo giáo viên các bậc học, cấp học

Để khắc phục tình trạng bất cập trong chất lượng đào tạo giữa các trường sư phạm trong cả nước từ đó hạn chế và khắc phục được tình trạng điểm đầu vào của các trường sư phạm quá thấp như hiện nay cần sớm ban hành và triển khai thực hiện thống nhất chuẩn nghề nghiệp, chuẩn đầu ra của giáo viên các bậc học, cấp học. Cần có giải pháp để sát hạch, kiểm tra chất lượng đầu ra của sinh viên các trường sư phạm tạo mặt bằng chất lượng chung đạt chuẩn đối với sinh viên trước khi ra trường.

2.4. Xây dựng chương trình đào tạo phù hợp

Hiện nay, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được ban hành. Tới đây, chương trình chi tiết của môn học cũng sẽ được thống nhất và triển khai. Các trường sư phạm cần xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với đối tượng, bám sát chương trình giáo dục phổ thông mới. Cần tăng cường đào tạo và bồi dưỡng các kiến thức cơ bản phục vụ trực tiếp cho việc giảng dạy chương trình phổ thông các cấp; rèn luyện năng lực nghề nghiệp cho sinh viên; xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa các trường sư phạm với các trường phổ thông để sinh viên được học tập và rèn luyện không những ở trong môi trường hàn lâm mà còn được tăng cường trải nghiệm thực tế ở các trường phổ thông; tăng cường thời lượng kiến tập, thực tập sư phạm cho sinh viên.

2.5. Quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên của các trường sư phạm

Đội ngũ giảng viên ở các trường sư phạm phải là những người tâm huyết với nghề nghiệp, đạt chuẩn về trình độ, có đủ năng lực, phẩm chất để xây dựng trường sư phạm trở thành những trường mô phạm nhất trong cả nước. Nơi đó, truyền thống "Tôn sư trọng đạo", tôn vinh nghề dạy học, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của toàn xã hội đối với nghề dạy học được thể hiện rõ nét, sinh viên sư phạm thực sự được truyền ngọn lửa nhiệt huyết với nghề.


Đẩy mạnh đào tạo sau đại học nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên

2.6. Có chính sách tăng thu nhập, bảo đảm vị thế xã hội cho giáo viên

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tích cực tham mưu với chính quyền địa phương để có cơ chế, chính sách động viên, khích lệ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vượt qua khó khăn, thử thách, nỗ lực công tác với chất lượng, hiệu quả cao. Đối với vấn đề tiền lương của giáo viên, cải cách không chỉ là mức lương mà còn là cơ chế trả lương. Cách trả lương theo kiểu cào bằng  như hiện nay đã lỗi thời, không động viên, khuyến khích được giáo viên dốc tâm sức với nghề;

Ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả để đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cốt cán ở các nhà trường, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt là đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nguồn: Bigschool.vn