Thầy giáo Đỗ Cao Sang

Đối diện với một lớp học sĩ số lớn, giáo viên thường có cảm tưởng như mình đang làm công việc thuyết trình.Tuy nhiên, công việc dạy không phải luôn luôn là thuyết trình. Chẳng hạn như, việc tổ chức các hoạt động nghe nói, trao đổi nhóm, tương tác giữa người học với người dạy, người học với người học vẫn phải duy trì bình thường để nhằm đạt hiệu quả đào tạo.

Để thành công với những lớp học lớn như vậy, chúng ta cần xem xét kỹ những điểm mạnh và điểm yếu của một lớp sĩ số lớn để đưa ra những biện pháp khắc phục hiệu quả, hợp lý.


Một lớp luyện thi đại học đã từng sĩ số lớn như thế!

Điểm mạnh của lớp có sĩ số lớn

Thứ nhất, không khí học hào hứng hơn. Bên cạnh điểm yếu của lớp ngoại ngữ sĩ số lớn là tiếng ồn thì giáo viên và người học cũng có thể cảm nhận rằng lớp học đông sẽ vui và có sức sống hơn lớp ít người tham gia.

Thứ hai, thời gian trôi qua nhanh hơn. Do không khí vui vẻ và bị cuốn vào các hoạt động, thời gian ở những lớp sĩ số lớn trôi qua nhanh. Cũng vì các hoạt động chính luôn kéo dài, giáo viên không cần tìm kiếm hoạt động lấp chỗ trống.

Thứ ba, giáo viên dễ dàng tìm kiếm câu trả lời từ người học khi nêu vấn đề. Ở lớp nhiều học viên, giáo viên dễ dàng nhìn thấy một cánh tay xung phong phát biểu và trả lời câu hỏi hơn là một lớp sĩ số nhỏ. Người giáo viên cũng nên biết khi gọi người học phát biểu, nên dàn đều ra các khu vực lớp học và các đối tượng khác nhau.

Những khó khăn của lớp sĩ số lớn

Thứ nhất, giáo viên không thể nhớ để gọi tên tất cả người học. Điều này gây khó cho giáo viên khi phải gọi người học làm hoạt động thực hành tiếng cũng như gây khoảng cách giữa người học với người học, giữa giáo viên và người học. Theo đó, quá trình thực hành giao tiếp cũng bị hạn chế.


Những tình huống như thế này vẫn cần tăng cường

Thứ hai, giáo viên dễ bị rơi vào tình trạng lo lắng, mất bình tĩnh. Một số giáo viên, đặc biệt là giáo viên nữ trẻ, cảm thấy lo sợ, hồi hộp trước một không gian rộng và số người quá "áp đảo". Đối với từng cá nhân người học cũng cảm thấy tương tự như vậy khi chính mình đó bị gọi lên nói trước một lớp sĩ số lớn.

Thứ ba, giáo viên rất khó để đáp ứng nhu cầu riêng của mỗi cá nhân bởi lẽ giáo viên dễ dàng nhận thấylà không thể đi sâu chữa lỗi hoặc trao đổi với một cá nhân. Điều này một phần do thời gian không đủ và không thể tập trung vào một người khi rất nhiều người khác đang chờ đợi được quan tâm tương tự.

Thứ tư, đánh giá, chấm thi mất nhiều thời gian. Quá trình này sẽ rất tốn công sức và thời gian nếu giáo viên phải tự chấm các bài luận hoặc chữa lỗi viết như chính tả, chọn từ, ngữ pháp cho một lớp sĩ số cao.


Lớp sĩ số lớn trên giảng đường đại học

Thứ năm, ở trong lớp sĩ số lớn, người học dễ bị phân tán, mất trật tự. Tình trạng này gây ra do nhiều yếu tố, chẳng hạn như những người đến muộn, những nhóm, đôi nói chuyện riêng. Giáo viên khó có thể kiểm soát hay dừng lại để duy trì trật tự trong khi đang tiến hành hướng dẫn học. Hơn nữa, ngay trong khi học viên thực hành nói ngoại ngữ theo bài tập giao cho, giáo viên khó có thể kiểm soát, theo dõi đầy đủ các đôi, các nhóm và khó có thể đưa ra điều chỉnh, hướng dẫn kịp thời.

Thứ sáu, chuẩn bị các bài học phát tay (handout) và giáo cụ (nếu cần) cho lớp sĩ số lớn sẽ tốn kém và mất nhiều thời gian của giáo viên.

Thứ bảy, trong lớp sĩ số lớn, không gian trống thường bị hạn chế. Từ đó, việc đi lại của giáo viên và người học bị ảnh hưởng. Do vậy, việc tiến hành trò chơi, chia nhóm cũng khó khăn.

Thứ tám, thiết bị nghe nhìn không đáp ứng được yêu cầu cho nhiều người. Học trong lớp lớn, người học ở vị trí xa loa đài thường khó nghe giáo viên và nghe từ âm thanh từ đài, máy tính. Xét chung, cả lớp đều khó nghe vì tiếng ồn của lớp và tiếng vọng của loa trong không gian rộng sẽ ảnh hưởng chất lượng âm thanh.

Kinh nghiệm khắc phục khó khăn

Kinh nghiệm thứ nhất, giáo viên nên sử dụng sổ ghi chép nhỏ: Sổ ghi chép nhỏ nên được mang theo khi giáo viên giám sát và hướng dẫn các nhóm thực hành các kỹ năng ngôn ngữ. Dùng sổ này, giáo viên ghi lại những lỗi chung, điển hình để sau đó chỉnh sửa cho tất cả học viên khi kết thúc hoạt động.

Kinh nghiệm thứ hai, giáo viên nên phân tán học viên thành các nhóm. Tận dụng hết diện tích có thể, các góc trống để bố trí các nhóm thảo luận. Thậm chí có thể tận dụng hành lang và không gian ngoài lớp học khi điều kiện cho phép.

Kinh nghiệm thứ ba, giáo viên nên chú trọng theo dõi sự tham gia học tập, tính điểm chuyên cần. Ở những lớp sĩ số lớn, rất khó phát hiện một hai người vắng mặt nên học viên thường lợi dụng điều này để nghỉ. Nếu không kiểm tra cẩn thận, lớp học sẽ bị rời rạc và trở thành vô tổ chức. Giáo viên có thể ra bài kiểm kiểm tra ngắn vào cuối mỗi buổi học để kiểm tra sự vắng mặt. Giáo viên cũng có thể nhờ lớp trưởng điểm danh trước khi lên lớp.

Kinh nghiệm thứ tư, giáo viên nên khuyến khích thi đua giữa các nhóm học tập bằng cách chia lớp ra thành các nhóm. Có thể giữ nguyên nhóm từ đầu đến cuối khóa hoặc điều chỉnh cho thích hợp theo từng hoạt động thực hành.

Kinh nghiệm thứ năm, giáo viên nên biết tự giải tỏa áp lực, không để bị căng thẳng. Trước mỗi giờ lên lớp, giáo viên nên tìm cách nghỉ ngơi, thư giãn để tránh trạng thái bị lo âu. Không nên cố gắng chuẩn bị bài dạy vào buổi sáng, ngay trước khi lên lớp mà tốt nhất phải chuẩn bị trước đó một ngày. Giáo viên nên lập phương án dự phòng để đối phó với tình huống thay đổi có thể trong khi lên lớp.

Kinh nghiệm thứ sáu, giáo viên phải thiết lập niềm tin, cố gắng nhớ tên người học càng nhiều càng tốt .Giáo viên nên cố gắng bố trí thời gian để người học và giáo viên hiểu nhau về tính cách, sở trường, tên, tuổi.điều này tạo ra không khí thân thiện, gần gũi, rất có ích trong việc duy trì giao tiếp và dạy ngoại ngữ.

Kinh nghiệm thứ bảy, giáo viên phải biết kiểm soát tiếng ồn. Giáo viên nên đưa ra ký hiệu, dấu hiệu để báo cho học viên biết khi muốn họ dừng hoạt động giao tiếp, thảo luận. Điều này nên làm ngay từ buổi đầu để lớp học quen với ký hiệu của bạn.

Kinh nghiệm thứ tám, giáo viên nên giảm thời gian chấm bài viết bằng cách cho thi trắc nghiệm và bố trí cho người học tự chữa bài theo cặp. Để tránh mệt mỏi và dành thời gian cho việc soạn bài, giáo viên nên tổ chức chấm thi nhanh hoặc bố trí cho học viên chữa bài cho nhau theo cặp. Giáo viên tổng hợp những phần người học vướng mắc để giải đáp. Giáo viên không nên chữa hoặc giải đáp tất cả các vấn đề trong bài thi, bài tập về nhà.Mỗi buổi, chú trọng chữa một vài kiểu lỗi khác nhau và phổ biến.

Kinh nghiệm thứ chín, giáo viên nên thiết lập kỷ luật lớp nghiêm ngay từ đầu. Cần đưa ra quy tắc, nội quy lớp học ngay từ buổi đầu tiên và kiên trì với những quy tắc đó. Ví dụ, người học đi muộn quá 15 phút thì không thể được vào lớp. Họ chỉ được vào lớp trong thời điểm lớp nghỉ giữa buổi; không đem đồ ăn, nước uống vào phòng học; không được nghe điện thoại trong giờ học…

Kinh nghiệm thứ mười, giáo viên có thể chia sẻ địa chỉ email, lập nhóm cho lớp trên Facebook, nếu điều kiện cho phép, để học viên có thể trao đổi ngoài giờ. Điều này rất có hiệu quả và phát huy tác dụng. Giáo viên có thể dùng kênh này để giải đáp các câu hỏi từ người học khi không đủ thời gian trên lớp. Giáo viên cũng có thể đưa ra đề bài cho người học viết luận, các bài bài tập nghe, nói, viết rồi đăng lên Group ở Facebook. Tất cả lớp cùng tham gia bình luận trong một ngôn ngữ lịch sự, nhã nhặn. Giáo viên, nếu duy trì các hoạt động này, phải kiểm soát thường xuyên.

Đỗ Cao Sang

Tài liệu tham khảo

Berwick, R. (1989). "Needs Assessment in Language Programming: from Theory to Practice." In R.K. Johnson (ed.) The Second Language Curriculum. Cambridge: Cambridge University Press.

Bruton, A. (1997). "Mixed Capacities in EFL/ESL: Clarifying the Issues". RELC Journal, 28 (1): 109-119.

Hedge, T. (1988). Writing. Oxford: Oxford University Press.

Johnston, B. (1997). "Do EFL Teachers Have Careers?" TESOL Quarterly, 31 (4): 681-712.

Palmer, J.C. (1998). "Constraints Affecting Students’ Writing in the ESP Classroom."In S. Barrueco, E. Hernández & L. Sierra (eds.) Lenguas para Fines Específicos VI. Alcalá de Henares: Universidad de Alcalá.

Chú thích: Thầy giáo Đỗ Cao Sang là Cử nhân Ngôn ngữ và văn hóa các nước nói tiếng Anh (Đại học Ngoại ngữ Hà Nội - 2005), Chứng chỉ sư phạm dạy tiếng Anh Mỹ (Taxas, Mỹ - 2010), Thạc sĩ Lãnh đạo học và quản lý cao cấp (Đại học Canberra - Australia - 2012), giảng dạy đại học (11 năm) các môn: Tiếng Anh; Quan hệ quốc tế, đã từng quản lý phòng đào tạo, tư vấn chiến lược kinh doanh và quản trị nhân sự, Trợ lý phiên dịch cho các hoạt động đối ngoại của nhà nước và hiện nay là Trợ lý chuyên môn cho Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục Việt Mỹ VASCHOOL. Thầy có sở thích sáng tác văn thơ, viết báo.