Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chia sẻ xung quanh những vấn đề liên quan đến đối tượng, nội dung của chính sách mới này.

TS. Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nghị định này được ban hành sẽ hướng dẫn thực hiện những chính sách gì đối với sinh viên sư phạm? Mục tiêu đặt ra theo nội dung Nghị định này là gì?

Ông Trần Tú Khánh: Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) đã khắc phục cơ bản những bất cập của Luật Giáo dục 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục 2009, trong đó tại khoản 4 Điều 85 Luật Giáo dục 2019 đã thay đổi chính sách không thu học phí (qui định tại Điều 77, Luật Giáo dục 1998, Điều 89 của Luật Giáo dục 2005) thành chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm trong toàn khóa học và sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu Sinh viên sư phạm không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ.

Nghị định sẽ được Chính phủ ban hành nhằm: Đảm bảo hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho Sinh viên sư phạm ở mức hợp lý bảo đảm bù đắp đủ toàn bộ tiền đóng học phí và cơ bản đủ bù đắp chi phí sinh hoạt tối thiểu để yên tâm theo học ngành đào tạo giáo viên, đồng thời thu hút được sinh viên giỏi vào học ngành sư phạm.

Xây dựng cơ chế đào tạo gắn với trách nhiệm của các địa phương trong việc sử dụng sinh viên sau tốt nghiệp nhằm tránh tình trạng Sinh viên sư phạm làm trái ngành và thừa thiếu giáo viên cục bộ đang diễn ra tại các địa phương trong thời gian qua.

Đảm bảo sử dụng ngân sách nhà nước hiệu quả, đúng đối tượng và phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách nhà nước.

Những đối tượng sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm?

Ông Trần Tú Khánh: Nghị định này áp dụng đối với: Sinh viên học trình độ đại học, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên theo hình thức đào tạo chính quy, liên thông chính quy và sinh viên học văn bằng thứ 2 theo hình thức đào tạo chính quy trình độ đại học, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên có kết quả học lực văn bằng thứ 1 đạt loại giỏi (sau đây gọi chung là sinh viên sư phạm).

Nghị định này không áp dụng đối với giáo viên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 18/8/2020 và áp dụng bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm học 2021 - 2022. Sinh viên sư phạm đã trúng tuyển và đào tạo từ năm học 2020 - 2021 trở về trước thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Điều 6 của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 cho đến khi tốt nghiệp.

Cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu ở đây là gì?

Ông Trần Tú Khánh: Nhằm mục đích gắn trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý từ việc xác định nhu cầu, đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên đến khâu tuyển dụng, bố trí việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp.

Nghị định quy định, hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát tính toán và xác định nhu cầu tuyển dụng và đào tạo giáo viên tại địa phương của từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học cho năm tuyển sinh gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 31/01 hằng năm và công khai trên các phương tiện thông tin, truyền thông.

Trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng giáo viên theo trình độ, ngành đào tạo của địa phương và nhu cầu xã hội, điều kiện bảo đảm chất lượng và năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo giáo viên để thực hiện tuyển sinh.

Căn cứ chỉ tiêu được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo, cơ sở đào tạo giáo viên thông báo công khai rộng rãi cho các địa phương, tổ chức, cá nhân có nhu cầu đào tạo giáo viên và thông báo lên cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo giáo viên.

Căn cứ vào chỉ tiêu được thông báo của các cơ sở đào tạo giáo viên và nhu cầu đào tạo giáo viên của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nhu cầu quyết định thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên với cơ sở đào tạo giáo viên.

Để gắn trách nhiệm của cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu trong việc thu hồi kinh phí hỗ trợ, Nghị định quy định giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu) ra thông báo thu hồi và thông báo cho sinh viên sư phạm và gia đình đối với các trường hợp phải bồi hoàn kinh phí.

Cơ chế "Chính sách bồi hoàn kinh phí" và "Thu hồi kinh phí hỗ trợ"?

Ông Trần Tú Khánh: Để hướng dẫn quy định tại tại khoản 4 Điều 85 Luật Giáo dục 2019, Nghị định đã quy định chi tiết trường hợp sinh viên sư phạm không phải bồi hoàn kinh phí và sinh viên sư phạm phải bồi hoàn kinh phí.

Về "Chính sách bồi hoàn kinh phí", Nghị định quy định sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp, Sinh viên sư phạm không công tác trong ngành giáo dục; hoặc công tác trong ngành giáo dục không đủ thời gian theo quy định sẽ phải hoàn trả khoản kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt. Thời gian phải hoàn trả tối đa 4 năm kể từ khi Sinh viên sư phạm nhận được thông báo bồi hoàn kinh phí. Quy định này tránh tình trạng SV ra trường làm không đúng ngành giáo dục gây lãng phí ngân sách.

Về "Thu hồi kinh phí hỗ trợ", để gắn trách nhiệm của cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu trong việc thu hồi kinh phí hỗ trợ, Nghị định quy định giao cho ủy ban nhân dân tỉnh ra thông báo thu hồi và thông báo cho Sinh viên sư phạm và gia đình người học đối với các trường hợp phải bồi hoàn kinh phí.

Tối đa trong thời hạn 4 năm, kể từ ngày nhận được thông báo thu hồi kinh phí sinh viên sư phạm hoặc bố đẻ (hoặc mẹ đẻ, hoặc chồng, hoặc vợ) của sinh viên (sau đây gọi là gia đình) có trách nhiệm nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn. Số tiền thu hồi từ kinh phí bồi hoàn của Sinh viên sư phạm được nộp vào ngân sách nhà nước theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành và theo quy định của Luật ngân sách nhà nước về quản lý khoản thu hồi nộp ngân sách.

Việc thay đổi chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm theo Nghị định này có những tác động như thế nào đối với sinh viên sư phạm, gia đình người học, và nhà trường sư phạm?

Ông Trần Tú Khánh: Nhìn chung chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt được sinh viên sư phạm và gia đình người học ủng hộ vì đã giúp sinh viên có điều kiện học tập tốt hơn, giảm gánh nặng tài chính cho sinh viên và cho gia đình và có động lực để tâm huyết với nghề giáo viên. Đồng thời, thực hiện theo cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu giúp sinh viên sư phạm có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, có trách nhiệm lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng của bản thân.

Đối với cơ sở đào tạo giáo viên, chính sách này giúp cơ sở đào tạo giáo viên chủ động hơn, thúc đẩy quá trình tự chủ và phát triển của nhà trường đồng thời có thêm nguồn thu từ các hợp đồng đào tạo để đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo, tập trung phát triển cơ sở vật chất.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống trường sư phạm theo hướng tinh gọn số lượng với tổ chức và cơ cấu hợp lý; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng với yêu cầu về số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; bảo đảm năng lực tự chủ và hoạt động hiệu quả của các trường sư phạm nhằm tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo và đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Do vậy Quy định thực hiện theo cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đầu thầu tại Nghị định này sẽ thúc đẩy các cơ đào tạo giáo viên phải tự nâng cao chất lượng giảng dạy để thu hút hợp đồng giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu từ các Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tạo cơ chế để các cơ sở đào tạo giáo viên cùng cạnh tranh phát triển đồng thời gián tiếp thực hiện mục tiêu của Đề án sắp xếp, tổ chức lại trường sư phạm theo yêu cầu của Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Nguồn: moet.gov.vn